Nỗ lực ngăn chặn vịt chạy đồng vượt tỉnh

TPHCM: Phát hiện 190 trường hợp mua bán, vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch
Nỗ lực ngăn chặn vịt chạy đồng vượt tỉnh
  • Cảnh báo đàn vịt chạy đồng từ vùng dịch đến TPHCM
  • Phân công 3 đoàn kiểm tra dịch cúm gia cầm tại 3 tỉnh miền Tây
  • Hậu Giang: Phát hiện thêm 1 ổ cúm gia cầm

Ngày 3-1, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã phân công 3 đoàn công tác đi phòng chống dịch cúm gia cầm tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang; đồng thời, cử các cán bộ đi kiểm tra tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Các đoàn công tác sẽ hướng dẫn, tổ chức tiêm phòng vaccine cho gia cầm; triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường… Thời gian kiểm tra từ ngày 8-1 đến hết tháng 2-2007.

Bộ Y tế:
Lập 5 đội cấp cứu lưu động

 Bộ Y tế vừa thành lập 5 đội cấp cứu lưu động trực thuộc Cục Y tế dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có dịch cúm A/H5N1 bất thường. Vào ngày 7-1 tới, một cuộc diễn tập phòng chống cúm A/H5N1 ở người sẽ diễn ra tại thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

PH.TH.

Hiện nay dịch cúm gia cầm xảy ra ở 27 xã, phường của 14 huyện thuộc 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Chiều 3-1, ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang xác nhận: Tỉnh này vừa ghi nhận thêm một ổ dịch cúm gia cầm (CGC) ở 103 vịt con trên 20 ngày tuổi tại hộ ông Nguyễn Cao Cường ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.

Ông Cường đã chủ động nhờ lực lượng thú y tiêu hủy. Đây là ổ dịch thứ tư phát hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và diễn biến mới nhất có liên quan đến CGC ở ĐBSCL.

Tính đến chiều ngày 3-1, Cà Mau đã tiêu hủy gần 15.000 gia cầm nhiễm bệnh, cơ bản đã bao vây được các ổ dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, thông tin từ các huyện Cái Nước, Phú Tân, thì ngày 3-1, một số gia cầm lại chết, với số lượng gần 20 con, chủ yếu là vịt xiêm.

“Tình hình phòng chống CGC ở ĐBSCL rất khó khăn, nếu các địa phương không quản lý chặt thì rất nguy hiểm. Khó có thể nói CGC lan nhanh hay chậm ra các tỉnh lân cận. Vấn đề nằm ở thái độ và hành độ kiên quyết của từng địa phương. Phải phát hiện và tiêu hủy ngay gia cầm bị CGC để hạn chế mầm bệnh phát tán” - Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 7 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Bá Thành đã đưa ra lời cảnh báo vào chiều ngày 3-1.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Tỉnh đã tiêu hủy gần 4.400 con gia cầm vừa mới ấp nở tái đàn và hơn 120 con gia cầm sống và giết mổ bày bán ở các chợ mà không có kiểm dịch thú y.

Tỉnh đang khẩn trương tiêm bổ sung 10% đàn gà còn lại và tiêm bổ sung 300.000 liều vaccine đối với số gia cầm mới phát sinh. Lực lượng chống buôn lậu đã nhận trách nhiệm kiểm soát và triệt tiêu gia cầm qua lại khu vực giáp với biên giới Campuchia. Ông Nguyễn Văn Phương thừa nhận: An Giang sợ nhất là các đàn vịt chạy đồng từ Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang – nơi đang có dịch CGC di chuyển về An Giang để ăn đồng lúa mùa đang thu hoạch. Nỗi lo này không phải không có lý.

Thực tế, vịt chạy đồng từ vùng CGC đang được tập kết tại Long An để chuẩn bị tuồn vào thị trường TPHCM.

Trước thực trạng này, vấn đề liên kết, thông tin lập các chốt trạm thú y kiểm dịch đường sông là rất cần thiết để ngăn chặn dòng vịt chạy đồng mang mầm móng CGC lan sang các địa phương khác.

Theo tin chúng tôi vừa nhận được vào tối 3-1, Trung tâm Thú y vùng 7 tại Cần Thơ đã có kết quả xét nghiệm khẳng định mẫu huyết thanh từ đàn vịt chết ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) dương tính với virus H5N1.

NHÓM PV


TPHCM: Phát hiện 190 trường hợp mua bán, vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch

Nỗ lực ngăn chặn vịt chạy đồng vượt tỉnh ảnh 1

Vịt chạy đồng là một trong những nguồn lây lan dịch trên diện rộng tại ĐBSCL.
Ảnh: CÔNG KHẢ

Ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, UBND TPHCM yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) tại các địa phương, trong đó có việc khôi phục lại các đội kiểm tra liên ngành (công an, quản lý thị trường, thú y), nhờ vậy, 4 trạm kiểm dịch gia súc và gia cầm đầu mối tại An Lạc (cửa ngõ từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về TPHCM), An Sương (từ các tỉnh Tây Ninh, vùng biên giới), Thủ Đức (các tỉnh miền Trung và phía Bắc vào), Xuân Hiệp (từ các tỉnh vùng Đông Nam bộ) đã được tăng cường chặt chẽ hơn trước.

Ngoài ra, 3 đoàn liên ngành lưu động cũng được thành lập để kiểm tra liên tục các vùng giáp ranh, vùng nóng như cầu Rạch Dơi (giáp Nhà Bè với Cần Giuộc tỉnh Long An), Liên tỉnh lộ 50 (đặc biệt là quận 8, hẻm 399), cầu Tham Lương)… và 24 đoàn liên ngành ở các quận, huyện. Nhờ đó, tần suất kiểm soát gia cầm vận chuyển vào TP được nghiêm ngặt hơn. Hiện nay, 4 trạm đầu mối tại 4 cửa ngõ kiểm soát mỗi ngày khoảng 100.000 gia cầm từ các nơi đưa về TP tiêu thụ, trong đó, gia cầm sống hơn 45.000 con/ngày, gia cầm giết mổ sẵn từ các tỉnh đưa vào TP trên 48.100 con/ngày.

Những ngày qua, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã phát hiện 190 trường hợp vi phạm tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, thu giữ gần 3.100 con và 553 kg gia cầm (gà, vịt sống và làm sẵn), trên 20.000 quả trứng các loại, 1.350 chim phóng sanh. Tại một số chợ còn tình trạng xé bao bì đóng gói gia cầm sống, để ngoài tủ bảo ôn khi bán như chợ Thị trấn (Nhà Bè), chợ Xã Tây (quận 5), chợ Xóm Củi và Phạm Thế Hiển quận 8), khu vực xung quanh chợ Thạch Đà trên đường Phạm Văn Chiêu thuộc quận Gò Vấp...

Sáng 3-1-2007, vào chợ Bến Thành (Q1), chúng tôi tỏ ý muốn mua gà sống để cúng. Một chị bán gà, vịt đã giới thiệu sang sạp bán gia cầm tên D.N.T. phía đối diện. Sau khi thỏa thuận gà ta còn sống bán giá 80.000đ/kg, đặt cọc tiền xong, chủ sạp D.N.T. cho biết, có thể giao gà tận nhà cho khách và gởi kèm cho chúng tôi danh thiếp để liên lạc. Chúng tôi muốn nhận gà tại chợ sau 15 phút. Đúng hẹn, chúng tôi quay lại lấy một con gà mái 1,5kg, giá 120.000 đồng. Khi mang đi, người bán còn nói với theo “chị xách cẩn thận, để bảo vệ biết thì chết em”.

Chúng tôi mang con gà sống đã mua được vào đặt vấn đề với Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành. Ông Phạm Văn Tân, Phó BQL chợ hết sức ngỡ ngàng.

Trước thực tế gia cầm sống vẫn được các tiểu thương mang vào bán lén lút tại các chợ, cho thấy, việc kiểm soát gia cầm bán ở các chợ trên địa bàn TP dường như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của BQL chợ. Theo BQL chợ Bến Thành, mức xử lý vi phạm những trường hợp trên là tiêu hủy gia cầm, đình chỉ kinh doanh trong 7 ngày.

NHÓM PV

Xây dựng phòng cách ly nghi cúm A H5N1
tại các quận huyện

Ngày 3-1, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo 24 quận, huyện khẩn trương thành lập khu cách ly điều trị, sẵn sàng tiếp nhận trường hợp sốt có tiếp xúc hoặc ăn sản phẩm gia cầm. Các trung tâm y tế tham mưu cho UBND quận, huyện chọn địa điểm có thể thực hiện cách ly kiểm dịch quy mô nhỏ từ 3-5 người (người đã tiếp xúc ca nghi nhiễm, cần được giám sát sức khỏe).

Đặc biệt, năm 2007 các quận, huyện được nhận thuốc Tamiflu để sẵn sàng cho bệnh nhân nghi nhiễm cúm A H5N1 uống ngay trong vòng 1 giờ đầu-bất kể là ngày đêm hay ngày nghỉ lễ, không chuyển lòng vòng lên tuyến trên như trước đây.

NG.TR.

Tin cùng chuyên mục