Vụ thi công cao ốc Saigon Residence làm sụp vỉa hè, nghiêng chung cư

Nguyên nhân: Đụng mạch nước ngầm

Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình: Xây mới cao ốc căn hộ để đền bù
Nguyên nhân: Đụng mạch nước ngầm
Nguyên nhân: Đụng mạch nước ngầm ảnh 1
Đến 19 giờ tối qua, nhiều người dân vẫn chờ trước chung cư để chuyển đồ.Ảnh: ĐƯỜNG LOAN

Sau hàng loạt công trình xây dựng tại TPHCM bị sự cố lún sụt, chiều 1-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã chủ trì buổi họp báo về vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình - nhà thầu thi công xây dựng cao ốc Saigon Residence tại 11D Thi Sách, quận 1 làm sụp vỉa hè, nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu vào chiều 31-10 - cũng đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông báo những thông tin liên quan.

  • Đã làm đúng các quy định (?)

Sau khi sự cố xảy ra, không ai thấy Công ty Liên doanh Căn hộ Sài Gòn - chủ đầu tư cao ốc Saigon Residence ở đâu. Tại buổi gặp gỡ báo chí vào sáng 1-11 cũng chỉ có mặt đơn vị thi công. Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Công ty Hòa Bình - nhà thầu thi công công trình), cho rằng sự cố xảy ra khi đơn vị thi công đang đào đất cho công tác nối cọc tại khu vực 7-8/B với độ sâu khoảng 8m thì phát hiện có mạch nước ngầm phún mạnh từ dưới đáy hố đào.

Khoảng 10 phút sau, vỉa hè đường Nguyễn Siêu bị sập xuống với kích thước là 4m x 4m và chiều sâu khoảng 1,6m. Qua kiểm tra, quan trắc các công trình lân cận và đo độ lún của chung cư số 5 Nguyễn Siêu của Công ty Hòa Bình, độ lún của chung cư là 1,8cm (phía góc sát công trình Saigon Residence) và căn hộ trên cùng của chung cư lệch so với mặt đất là 3,2cm. Đến nay, đơn vị thi công đã đổ 30m3 đá pha cát vào lỗ hổng bị sụp để gia cố, cân bằng áp lực để tránh việc lún thêm của chung cư.

Trả lời câu hỏi của các PV về việc các hộ dân tại chung cư Nguyễn Siêu cho rằng vào tháng 6-2007, khi công trình bị đình chỉ, cơ quan giám định (do đơn vị thi công mời) đã đưa ra kết quả móng chung cư bị nứt và gãy, ông Hải khẳng định kết quả giám định của Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (SCQC) xác định phần móng chung cư chỉ bị nứt chứ không gãy.

Phần móng nứt, nhưng vì sao công ty chỉ sửa chữa các vết nứt trong khi vấn đề căn cơ cần giải quyết là gia cố lại phần móng để tránh việc sập đổ chung cư lại không được thực hiện?, ông Hải giải thích: Công ty chỉ thỏa thuận để sửa chữa nhà cho người dân vì những vết nứt là do việc ép cọc, cừ trong khi thi công tạo ra. Hơn nữa, kết quả giám định của SCQC cũng cho là hiện tượng chuyển vị trên nằm trong khả năng cho phép nên không yêu cầu gia cố phần móng. Theo ông Hải, sự cố trên là sự cố bất thường trong xây dựng vì ngay từ khi bắt đầu đào đất, nhà thầu đã thực hiện các biện pháp thiết lập chống giằng đến 3 tầng; trình tự thi công đều đạt điều kiện do các cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt.

  • Chủ đầu tư biến mất (?)

Báo cáo với lãnh đạo UBND TPHCM về sự cố trên, Phó GĐ Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho biết, theo kết quả quan trắc chung cư số 5 Nguyễn Siêu, độ dịch chuyển khoảng 2-3cm, riêng 6 căn nhà mặt tiền tầng trệt của chung cư có độ lệch 12-15cm. Nếu độ lún còn tiếp tục sẽ gây ảnh hưởng đến sự bền vững của chung cư. Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan gia cố hệ thống thép lớn tại phần chân móng, giằng, cột của chung cư để tránh sụp đổ. Ông Hiệp khẳng định, trách nhiệm chính của việc để ra nghiêng, lún các công trình lân cận khi đang thi công là ở chủ đầu tư. Vì thế, ông phê bình sự thiếu trách nhiệm của Công ty Liên doanh Căn hộ Sài Gòn - chủ đầu tư cao ốc Saigon Residence - vì từ khi sự cố xảy ra không thấy tăm hơi đâu. Tất cả đều do đơn vị thi công đứng ra giải trình, chủ đầu tư chỉ gọi báo với lãnh đạo Sở Xây dựng là đang họp Hội đồng quản trị tại Singapore (!?).

Nhiều phóng viên đã chất vấn Sở Xây dựng xung quanh các tiêu chí mà sở áp dụng để cho phép công trình tiếp tục thi công (vào tháng 10-2007) dẫn đến sự cố. Ông Hiệp trả lời: Sau khi đình chỉ, Công ty Hòa Bình đã mời SCQC kiểm định, thỏa thuận sửa chữa và bồi thường thiệt hại cho các hộ dân (có biên bản nghiệm thu giữa 2 bên). Hơn nữa Công ty Hòa Bình đã mời Công ty tư vấn Tân đưa ra phương án thi công để đảm bảo an toàn cho công trình bằng cách đóng một hàng cừ thép giữa công trình cao ốc Saigon Residence với chung cư Nguyễn Siêu. Tuy nhiên, ông Hiệp nhìn nhận rằng, nếu đơn vị thi công đóng thêm hàng cừ thép dọc đường Nguyễn Siêu thì sự cố trên sẽ không xảy ra.

Chiều 1-11, sau khi kiểm định lại công trình, SCQC đã báo cáo với Sở Xây dựng TP là không phát hiện ra vết nứt và lún thêm trong hệ chịu lực của chung cư Nguyễn Siêu.

  • Sở Xây dựng thừa nhận: Không quản lý xuể!

Trước hàng loạt sự cố đã xảy ra, ông Nguyễn Văn Hiệp thừa nhận, số lượng các công trình xây dựng đang thi công tại TP hiện nay quá nhiều, vì thế sở không thể thống kê đầy đủ và lực lượng thanh tra sở cũng không kiểm tra xuể chất lượng thi công công trình… theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Ngoài nguyên nhân cán bộ thiếu, yếu và không có kinh nghiệm thì cũng có nguyên nhân do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm.

Sở Xây dựng không né tránh trách nhiệm trước những bất cập trong quản lý xây dựng tại TP. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nguyên nhân còn do nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng công trình… Trong khi các quy định về xử phạt hành chính trong xây dựng hiện hành chưa đủ sức răn đe. Ông cho biết, trong tuần Sở Xây dựng sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng để kết nối giữa Sở với UBND các quận-huyện, chủ đầu tư, các cơ quan báo chí và người dân để kịp thời xử lý các sự cố về xây dựng.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài lưu ý các cơ quan chức năng rằng cải tiến thủ tục hành chính phải song song với tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Ông cho rằng dứt khoát phải có nghiên cứu cụ thể tình hình địa chất tại TPHCM, do đó UBNDTP sẽ có văn bản đề nghị Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Xây dựng nghiên cứu để lập bản đồ địa chất cho TPHCM. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp giám sát việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư, tùy theo mức độ vi phạm có thể xử lý hình sự.

Chiều 1-11, UBNDTP đã có văn bản yêu cầu kiểm tra toàn bộ công trình tại 11D Thi Sách. Ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo dứt khoát không để người dân vào ở nếu công trình không đảm bảo an toàn. Ông cũng giao cho Sở Xây dựng TP chậm nhất là ngày 15-11 phải ban hành quy định về quản lý chất lượng xây dựng (các công trình xây dựng sau khi được cấp phép) tại TPHCM.

HẠNH NHUNG

Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình: Xây mới cao ốc căn hộ để đền bù
° Hỗ trợ tiền thuê nhà và thiệt hại do ngưng kinh doanh
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, cho biết, các cơ quan chức năng đang kiểm định, đánh giá lại mức độ hư hỏng chung cư số 5 Nguyễn Siêu quận 1 để có hướng giải quyết. Chung cư này được xây dựng trước ngày giải phóng, đã bị xuống cấp nên TP đã có kế hoạch tháo dỡ, xây dựng lại. Do đó nếu việc sửa chữa, khắc phục sự cố lún nghiêng chung cư cũ này quá khó khăn, tốn nhiều chi phí công ty sẽ đề nghị UBND TP và Công ty Quản lý và kinh doanh nhà quận 1 (đơn vị quản lý chung cư này) xét duyệt cho công ty mua lại chung cư. Nếu được chấp thuận, công ty sẽ cho tháo dỡ toàn bộ chung cư này để xây dựng cao ốc căn hộ cao cấp. Sau khi xây dựng xong, công ty sẽ bố trí tái định cư cho người dân trong chung cư mới.
Từ 16 giờ đến 18 giờ 30 chiều 1-11, nhiều người dân cư ngụ tại chung cư Nguyễn Siêu đã đến trụ sở UBND phường Bến Nghé (quận 1) nhận tiền hỗ trợ từ Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Giám đốc Lê Viết Hải, đã thay mặt công ty gửi lời xin lỗi đến người dân. Trước mắt, công ty hỗ trợ những người sống tại chung cư và hẻm lân cận (khoảng hơn 100 người, trong đó có 16 người có hộ khẩu ở chung cư nhưng không ở) với mức 1,5 triệu đồng/người. Người dân có thể chuyển tới chung cư 212A Nguyễn Trãi hoặc tự thuê nhà. Dựa trên mức thanh toán của bảo hiểm, công ty sẽ hỗ trợ thêm và sẽ thanh toán toàn bộ tiền thuê nhà của người dân (có thể lên tới 2 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, với những gia đình có kinh doanh, ngoài mức hỗ trợ chung, công ty sẽ đền bù những thiệt hại do gián đoạn buôn bán.

TR.TH. - Đg.L. 

Nguyên nhân vụ sập Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ:Thi công tường vây cao ốc Pacific kém chất lượng
(SGGP).- Ngày 1-11, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Hiệp cho biết, theo khảo sát điều tra ban đầu, nguyên nhân làm sập tòa nhà Việân Khoa học Xã hội vùng Nam bộ (KHXHVNB), ở số 49 Nguyễn Thị Minh Khai quận 1, do Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương làm chủ đầu tư là do chất lượng thi công tường vây của công trình (bao theo chu vi tòa nhà có chiều rộng 1m, dài 45m) có rất nhiều vị trí không đạt chất lượng và có nhiều khiếm khuyết. Chủ đầu tư (CĐT) đã tự tổ chức thi công, mời các nhà thầu phụ không có năng lực và tự trả lương nên việc quản lý chất lượng bị bỏ lửng. Ngoài ra, CĐT cũng không đặt ống siêu âm để kiểm tra chất lượng công trình do đó khi thi công tầng hầm (xây lố) gặp phải mạch nước ngầm, túi bùn nên đã gây ra sự cố. Ngoài ra, trong quá trình thi công, CĐT tự thuê công ty giám sát không chuyên, không có chức năng giám sát… Khi xây dựng tòa cao ốc Pacific, chủ đầu tư chỉ khảo sát một lỗ khoan 80m, 3 lỗ khoan 45m còn lại không khảo sát. Ông Hiệp cho rằng, chính sự coi thường chất lượng công trình của CĐT đã gây nên sự cố đáng tiếc. Hiện nay, đoàn thanh tra của TP đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân chính gây ra sự cố.
Cùng ngày, Sở Xây dựng cũng đã có quyết định đình chỉ thi công công trình số 56-58-60 đường Hai Bà Trưng, quận 1 (gần tòa cao ốc Mai Linh) vì công trình chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn trong thi công xây dựng.

N.NG


Trường học mới xây đã bị lún đất, sụp nền
(SGGP).- Lúc 9 giờ 15 ngày 1-11, tại Trường THCS Lương Định Của (phường An Phú quận 2 TPHCM) đã xảy ra vụ sụp lún nền làm 1 học sinh bị thương. Được biết, lúc ra chơi, em Lê Bích Vân, học sinh lớp 8A5, chạy qua lớp 8A4 chơi. Vân từ trên bục giảng nhảy xuống nền thì bất ngờ nền gạch sụp xuống. Vân lọt tõm xuống hố sâu khoảng 1m, rộng 1m2 và bị thương, được nhà trường chuyển đi cấp cứu. Lúc đó, tại lớp 7A7 (cách đó 30m) nền lớp học cũng xuất hiện một hố tương tự. Được biết, ngôi trường này vừa được xây dựng đưa vào sử dụng tháng 8-2007, quy mô 1 trệt, 2 lầu có 30 phòng học, tổng diện tích xây dựng 9.000m2 với kinh phí xây dựng gần 8 tỷ đồng; đơn vị thi công là chi nhánh Công ty Xây dựng công nghiệp VN. Theo Phòng Giáo dục quận 2, trường này chưa được nghiệm thu. Sau khi sự cố xảy ra, Sở Xây dựng TP đã đề nghị Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đến kiểm tra đánh giá để có hướng xử lý. Ông Nguyễn Văn Đạt (cán bộ Phòng Giáo dục quận 2) cho biết, trường có 780 học sinh, để không ảnh hưởng việc học, nhà trường đã chuyển các em lên học các tầng trên lầu.
Chiều 1-11, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Hiệp cho biết nguyên nhân của việc sụt lún tại Trường THCS Lương Định Của, quận 2 là do Trường Lương Định Của được xây dựng trên nền đất yếu, đất được lấp lên chưa lún hết, chưa chặt đến độ cứng cần thiết (chưa được kết cấu bền vững) mà đã xây dựng công trình lên trên nên đã xảy ra sự cố. Sở Xây dựng xác định nguyên nhân ngay vì đây là “căn bệnh” chung của rất nhiều công trình trên địa bàn TP.
TR.TH. - H.NH. - TR.M.

Tin cùng chuyên mục