Giảm tiền trợ giá xe buýt: Vẫn chưa có giải pháp căn cơ

Giảm tiền trợ giá xe buýt: Vẫn chưa có giải pháp căn cơ

Cách đây 2 tuần, Báo SGGP đã có loạt bài đặt vấn đề về hiệu quả quản lý và sử dụng tiền trợ giá xe buýt. Chiều 23-4, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã làm việc với Sở GTCC TPHCM để tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao tiền trợ giá cho xe buýt năm sau luôn cao hơn năm trước và làm thế nào để giảm tiền trợ giá xe buýt. Nhiều vấn đề, giải pháp được đề cập nhưng giải pháp căn cơ vẫn tiếp tục là một thách thức.

Tiền trợ giá quá cao

Giảm tiền trợ giá xe buýt: Vẫn chưa có giải pháp căn cơ ảnh 1

3 xe buýt chạy nối đuôi nhau nhưng không có khách, đây là nguyên nhân gây lãng phí tiền trợ giá xe buýt. Ảnh: H.B.

Nếu như năm 2005, số tiền ngân sách bù lỗ cho xe buýt là 424 tỷ đồng, thì đến năm 2006 con số trợ giá tăng lên 487 tỷ đồng (tăng 14,8%), và dự kiến trong năm 2007 con số này sẽ là trên 600 tỷ đồng (tăng 23,2%).

Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Nguyễn Minh Hoàng so sánh số tiền trợ giá xe buýt hàng năm tương đương tổng thu ngân sách của từ 2 đến 3 tỉnh. Theo ông Lê Trung Tính, Phó phòng Vận tải công nghiệp thuộc Sở GTCC, nguyên nhân tăng tiền trợ giá chủ yếu là do điều chỉnh tăng lương tối thiểu, giá nhiên liệu tăng.

Với mức lương cơ bản mới, chỉ riêng tiền trả lương cho tài xế và tiếp viên xe buýt đã tăng thêm 14 tỷ đồng/tháng nên trừ đi chi phí này, thực chất số tiền trợ giá cho xe buýt năm 2007 cũng chỉ tương đương năm 2006.

Các đại biểu HĐND cho rằng, mỗi năm thành phố đổ vào hàng trăm tỷ đồng trợ giá cho xe buýt, song nhiều năm qua xe buýt đáp ứng chưa vượt quá 5% nhu cầu đi lại của người dân.

Đại biểu HĐNDTP Trương Trọng Nghĩa phân tích: Không thể dựa vào tiền trợ giá từ ngân sách để đạt mục tiêu tăng số người đi xe đạt 8%-10% nhu cầu. Ông ví von hình thức trợ giá cho xe buýt hiện nay giống như một bệnh nhân vật vờ đang được thở bằng ôxy. Nếu rút ống ôxy thì chết mà cho thở bằng ôxy thì cũng không gượng dậy được bởi tốc độ tiền trợ giá tăng nhanh đến chóng mặt như vài năm qua (chiếm trên 7% tổng chi ngân sách thường xuyên hàng năm của thành phố), thì đến một thời điểm nhất định, ngân sách thành phố sẽ không kham nổi.

Theo Sở GTCC, tính đến cuối năm 2006, đơn giá chuẩn đã qua 8 lần điều chỉnh, bình quân tăng từ 1,67 đến 1,79 lần. Tuy nhiên, thành phố chỉ mới điều chỉnh theo giá xăng dầu và tiền lương tối thiểu, còn đơn giá vật tư và giá một số dịch vụ trong đơn giá chuẩn chưa được điều chỉnh.

Đơn giá chuẩn được xây dựng từ đầu năm 2003, đến nay đã qua 4 năm. Các định mức đơn giá vật tư và giá một số dịch vụ trong đơn giá chuẩn có thay đổi là điều tất yếu và đơn giá chuẩn hiện nay đã lạc hậu là đúng. Đề nghị UBNDTP, xây dựng lại định mức đơn giá vận chuyển hành khách công cộng trong 5 năm tới. Định mức mới cần đưa vào các khoản chưa tính đúng tính đủ như phí lưu đậu, bến bãi, giá xe qua bến,… mặc dù khi điều chỉnh lại đơn giá chuẩn chắc chắn sẽ làm cho tổng trợ giá gia tăng.

Giải pháp nào để giảm tiền trợ giá

Sở GTCC TPHCM đưa ra một số giải pháp như: giảm trợ giá một số tuyến chuyên vận chuyển công nhân, ngưng các tuyến đưa rước học sinh, sinh viên hoạt động không hiệu quả, tiếp tục áp dụng biện pháp khoán tỷ lệ trợ giá/chi phí. Đây cũng là điều mà các tuyến xe được khoán thường kêu lỗ do chi phí nhiên liệu và nhân công tăng. Để hạn chế mức tăng trợ giá cần thực hiện đồng thời các biện pháp: tăng giá vé, thực hiện khoán, đấu thầu tuyến, cho phép quảng cáo trên xe buýt…

Tuy nhiên theo đại biểu HĐNDTP Lê Văn Trung, những giải pháp Sở GTCC đưa ra không phải là bài toán căn cơ. Muốn giải quyết vấn đề này, Sở GTCC phải quy hoạch lại luồng tuyến xe buýt một cách khoa học, tránh bị trùng lắp, khi đó số lượng khách đi trên mỗi chuyến xe tăng cao góp phần làm giảm tiền trợ giá, vì thực tế số lượng khách trên mỗi chuyến xe càng ít thì thành phố trợ giá càng nhiều.

Một số đại biểu cũng chất vấn Sở GTCC về việc tuy đã 2-3 năm trôi qua, nhưng vẫn không thực hiện nổi việc đấu thầu tuyến xe buýt – một trong giải pháp được đánh giá tốt để giảm trợ giá. Về vấn đề này, Sở GTCC cho biết đã chọn được 2 tuyến làm thí điểm (bến xe Chợ Lớn – Gò Vấp và Sài Gòn -Thới An), nhưng do thành phố rất hiếm đơn vị tư vấn cũng như thời gian phê duyệt mẫu, thẩm định đơn giá của các cơ quan chức năng… kéo dài, nên đến nay vẫn còn nằm trên giấy.

Phó Giám đốc Sở GTCC Dương Hồng Thanh cho rằng, đấu thầu chậm là do vướng quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích…

Ngoài ra, một số ý kiến đã mạnh dạn đề xuất thành phố nên triển khai giải pháp cho quảng cáo trên xe buýt và thu phí xe cá nhân nhằm bù đắp vào khoản tiền trợ giá cho xe buýt. Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, vẫn chưa có giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng lượng hành khách sử dụng xe buýt và giảm tiền trợ giá từ ngân sách mang tính khả thi và đạt hiệu quả cao. 

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục