Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm: Không có chuyện xây dựng tượng đài tràn lan

Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) Vi Kiến Thành (ảnh) khẳng định với phóng viên Báo SGGP, trên tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, tiếp thu ý kiến của Chính phủ các bộ ngành, địa phương, Bộ VH-TT-DL đã rà soát kỹ 7 địa phương sẽ được xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030: Không có chuyện xây dựng tượng đài tràn lan.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm: Không có chuyện xây dựng tượng đài tràn lan

Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) Vi Kiến Thành (ảnh) khẳng định với phóng viên Báo SGGP, trên tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, tiếp thu ý kiến của Chính phủ các bộ ngành, địa phương, Bộ VH-TT-DL đã rà soát kỹ 7 địa phương sẽ được xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030: Không có chuyện xây dựng tượng đài tràn lan.

* Phóng viên: Việc xây dựng đề xuất này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm: Không có chuyện xây dựng tượng đài tràn lan ảnh 1

* Ông VI KIẾN THÀNH: Theo thống kê, hiện cả nước có 31 tượng đài Bác Hồ, xây dựng ở các trung tâm hành chính, chính trị lớn. Vừa qua, trước khi xây dựng quy hoạch này, chúng tôi nhận được 58 đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, nhưng sau khi rà soát kỹ lưỡng chúng tôi mới giới thiệu quy hoạch 7 tượng đài, trong đó có 2 công trình tồn tại từ quy hoạch trước. Số lượng như vậy có thể nói là tràn lan không? Về góc độ quản lý nhà nước, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và triển lãm quản lý về mặt mỹ thuật, chất lượng nghệ thuật của công trình, hướng dẫn địa phương làm đúng quy trình hướng dẫn của Chính phủ để đảm bảo chất lượng. Việc đề xuất xây dựng tượng đài không phải là từ phía Bộ VH-TT-DL mà hoàn toàn do các địa phương. Như tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ là do UBND TP Cần Thơ đề xuất.

Trong khi đó, thực tế một số tượng đài được xây mới gần đây như ở Gia Lai, Tuyên Quang, hàng đêm người dân tới đây rất đông. Hiệu quả tuyên truyền không thể đo đếm được. Các cụ già có thể tập thể dục, trẻ em có thể vui chơi quanh quảng trường. Không ai nói tới hiệu quả đó. Cũng cần nói rõ đồng ý xây dựng một công trình tượng đài lớn phải có quy trình không đơn giản.

* Cụ thể sẽ phải qua những bước nào, thưa ông?

* Việc làm công trình tượng đài phải thông qua 4 bộ: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL sau đó phải trình Ban Bí thư. Sau khi tất cả đều đồng ý về mặt chủ trương thì Bộ VH-TT-DL sẽ hướng dẫn địa phương làm các quy trình bước tiếp theo từ xây dựng phác thảo, góp ý các mẫu... Do vậy, một lần nữa khẳng định không thể nào làm tràn lan được. Nếu bộ này “lỏng” thì sẽ có bộ kia chặt. Quy mô của công trình sẽ có hội đồng nghệ thuật chọn các phác thảo, căn cứ vào vị trí, mặt bằng thực tế để đề xuất quảng trường to đến đâu, quy mô như thế nào... do địa phương là chủ đầu tư và sẽ quyết định.

* Có một số ý kiến cho rằng quy mô của các công trình tượng đài được đề xuất đều rất lớn. Gần đây nhất là đề xuất xây dựng công trình tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ. Dường như cứ phải to, hoành tráng thì công trình mới có sức lan tỏa?

*  Tượng Bác Hồ về thăm quê ở Nghệ An hiện nay được coi là quy mô lớn, cao 16m; tượng bằng đồng to nhất là ở Gia Lai chỉ hơn 10m. Vì thế cũng cần phải căn cứ vào quy mô với không gian xung quanh. To hay không phải phù hợp với không gian quảng trường.
Dưới góc nhìn của một người làm nghệ thuật tôi cho rằng quy mô của công trình không ảnh hưởng tới giá trị nghệ thuật. Hay có thể nói rõ hơn là giá trị nghệ thuật của tượng đài hay các công trình không tỷ lệ thuận và cũng không phải tỷ lệ nghịch với quy mô của công trình ấy. Có những tượng đài có quy mô nhỏ nhưng giá trị nghệ thuật lại được đánh giá cao. Việc đem đánh đồng giá trị của tượng đài, công trình với quy mô là suy nghĩ rất đơn giản. Theo tôi, quy mô lớn hay nhỏ là do nhu cầu, mong muốn, quan niệm của địa phương. Bởi phía sau tượng đài là có những chuyện có thể nói cả ngày. Có những việc mà không phải giới chuyên môn, giới mỹ thuật, giới kiến trúc có thể quyết định được hết hình thức nghệ thuật của tác phẩm đâu, mà còn nhiều yếu tố khác. Quan điểm của tôi là không nên làm nhiều, không nên làm to nhưng những cái cần làm thì phải làm.

* Thưa ông, ông nghĩ như thế nào khi mà gần đây rất nhiều địa phương đã đua nhau xây dựng những công trình, tượng đài lớn? Và với tư cách là ngành mỹ thuật, một ngành có chuyên môn, ông đã có tư vấn hay tham mưu nào cho Bộ VH-TT-DL cũng như cho Chính phủ về điều này?

* Những công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài phục vụ đời sống nhân dân, chưa bao giờ là nhu cầu đặt hàng của ngành mỹ thuật. Tất cả các yêu cầu đó đều xuất phát từ địa phương. Tức là khi địa phương có nhu cầu thì ngành mỹ thuật tham gia để thực hiện về mặt chuyên môn cho các công trình. Còn về tham mưu cho Bộ VH-TT-DL và Chính phủ, tôi nghĩ cần sự đồng thuận, vào cuộc của các nhà lãnh đạo cũng như của giới truyền thông. Bởi xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay là thích to, rất thích lập kỷ lục, hoành tráng. Thậm chí là xu hướng của nhiệm kỳ, họ muốn làm một công trình hoành tráng để đời, để nhân dân có thể ghi nhớ nhiệm kỳ đó đã xây dựng được một tượng đài to lớn, một công trình để đời. Tôi nghĩ cần có thời gian thay đổi quan niệm dần dần, chứ không thể một sớm một chiều và ngành mỹ thuật thì không thể can thiệp quan niệm như vậy được.

* Xin cảm ơn ông!

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục