Xây dựng 4 lực lượng PCCC đạt chuẩn

Xây dựng 4 lực lượng PCCC đạt chuẩn

TPHCM là trung tâm kinh tế phát triển nhất nước. Tuy nhiên, song song với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xô bồ là nỗi lo về nguy cơ cháy nổ. Những năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ cứu nạn được TP đặc biệt quan tâm, dù vậy số vụ cháy nổ xảy ra và thiệt hại về người, tài sản vẫn ở mức báo động. Để hạn chế số vụ cháy nổ và hậu quả để lại, năm 2014, TP đưa vào thực hiện nhiều giải pháp căn cơ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM diễn tập chữa cháy.

Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM diễn tập chữa cháy.

- Phóng viên: Năm 2013, TPHCM xảy ra nhiều vụ cháy - nổ để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo Thiếu tướng, đâu là những nguyên nhân chính?

>> Thiếu tướng TRẦN TRIỀU DƯƠNG: Sau nhiều vụ cháy, nổ lớn trong năm 2013 như vụ nổ ở nhà “Phương khói lửa” (phường 8, quận 3) làm 11 người chết, 3 người bị thương; hay cháy lớn ở nhà số 322 Hàn Hải Nguyên (phường 10, quận 11) làm 3 người chết… sở đã điều tra, thu thập rất nhiều chứng cứ và nhận thấy, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ là do: Sự hiểu biết của người dân đối tới công tác PCCC chưa cao; công tác quản lý đô thị tại một số khu dân cư chưa chặt chẽ; còn rất nhiều hộ dân lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, lối thoát nạn làm tăng mức độ nguy hiểm cháy; hệ thống điện tại nhiều khu dân cư không đảm bảo an toàn; tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại hóa chất, vật liệu nổ vẫn còn phổ biến… Để hạn chế thấp nhất số vụ cháy nổ xảy ra và hậu quả để lại, năm 2014, ngoài việc chú trọng kiểm tra, xử lý, xóa sổ các nguyên nhân nêu trên, sở còn triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực PCCC và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực”.

- Xin Thiếu tướng cho biết một số nội dung trọng tâm phải thực hiện trong đề án là gì?

Mục đích của đề án là đề ra và thực hiện các biện pháp đồng bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân trong hoạt động PCCC và cứu hộ cứu nạn; giải quyết triệt để những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tình hình cháy, nổ; kịp thời ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh nhằm kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP. Trong số các nội dung đưa ra trong đề án, sở đặc biệt sẽ chú trọng triển khai và thực hiện quyết liệt vào 2 nội dung.

Thứ nhất, quy hoạch và phát triển lại hệ thống nhà ở, xây dựng cơ bản, nhất là ở các quận huyện trung tâm, tuân thủ triệt để các quy định về đảm bảo an toàn PCCC, cứu hộ cứu nạn. Thứ hai là xây dựng 4 lực lượng PCCC đạt chuẩn gồm: lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở (trực thuộc các cơ quan, đơn vị, nhà máy, công ty, xí nghiệp...); lực lượng PCCC chuyên ngành (trực thuộc các đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao) và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của sở. Ngoài lực lượng PCCC chuyên nghiệp sẽ được nâng cao trình độ năng lực (trung cấp lên đại học, đại học lên bậc cao hơn), phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại (xe thang rô bốt, xe bốc dỡ tự động trong đám cháy...) để chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hiệu quả các vụ cháy nổ lớn, 3 lực lượng chữa cháy còn lại cũng được thành lập và đào tạo bài bản, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để kịp thời dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh. Với việc xây dựng và nâng cao 4 lực lượng này, tin rằng năm 2014 sẽ không còn cháy lan, cháy lớn. Bên cạnh đó, bố trí lại lực lượng, phân chia thành nhiều đội phụ trách ở những địa bàn rộng để kịp thời can thiệp khi có cháy nổ xảy ra. Đến hết năm 2014, sang đầu năm 2015, tất cả các quận huyện ở TP đều có Phòng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp phụ trách.

- Dư luận hiện nay rất lo ngại khi xảy ra cháy nổ trên các tầng cao hoặc cháy trên sông, trên biển. Thời gian tới, Sở Cảnh sát PCCC TP sẽ đầu tư đưa vào thực hiện các giải pháp hiệu quả nào?

Đối với PCCC trên sông, theo nội dung đề án, từ nay đến năm 2025, sở sẽ xây dựng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn trên sông, trong đó sẽ có 5 đội chữa cháy chuyên nghiệp. Về thiết bị sẽ đầu tư 1 xe chỉ huy, 4 tàu chữa cháy, 4 cano chữa cháy, 1 xe chữa cháy công nghệ mới, 1 xuồng cứu hộ, 4 máy bơm chữa cháy... Đối với PCCC trên cao từ nay đến năm 2020, sở sẽ đề xuất UBND TP trang bị và đưa vào hoạt động 4-6 máy bay chữa cháy và các thiết bị phục vụ công tác chữa cháy trên cao.

Tính từ năm 1986 đến nay, cả nước xảy ra trên 50.000 vụ cháy, làm 1.816 người chết, 3.726 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 3.107 tỷ đồng và hàng trăm hécta rừng bị cháy. Tại TPHCM, từ năm 2008 đến năm 2012 xảy ra 822 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 174 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 292,84 tỷ đồng; trong thời gian này TP cũng xảy ra 40 vụ nổ làm chết 14 người, bị thương 64 người. Tính trung bình, mỗi năm TP xảy ra gần 165 vụ cháy, 8 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 48 người, thiệt hại tài sản khoảng 58,5 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại trực tiếp về người và tài sản thì các vụ cháy, nổ còn gây ra những thiệt hại gián tiếp: hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… bị ngưng trệ, người dân mất nhà, mất việc; tác động xấu đến môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

TUẤN VŨ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục