Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc là mục tiêu được nêu trong Nghị quyết hội nghị TW 9 khóa XI.
Một trong những nội dung cụ thể Nghị quyết có đề cập là phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.
Xây dựng môi trường văn hóa chính là để xây dựng con người văn hóa; xây dựng con người văn hóa, có nhân cách, đạo đức, lối sống… sẽ góp phần làm cho môi trường văn hóa phát triển ngày càng lành mạnh hơn. Môi trường văn hóa phải được xây dựng đồng bộ, đó là việc tạo dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư, ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và mỗi gia đình. Trong đó việc xây dựng môi trường văn hóa ở gia đình, cộng đồng xã hội rất cần được xem trọng.
Gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống văn hóa cho con người. Gia đình là nơi vừa phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa vun đắp cuộc sống no ấm, hòa thuận, hạnh phúc, văn minh. Các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, yêu thương chăm lo cho nhau và quan tâm đến cộng đồng…đã có tác động tích cực cần được nhân rộng. Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục biểu dương những gia đình văn hóa, những tấm gương hiếu thảo, lao động, vượt khó, sống có trách nhiệm trong cộng đồng.
Các điều kiện sinh hoạt cộng đồng và môi trường xã hội là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển con người, giúp con người hình thành quan điểm giá trị, nhân văn, giúp con người phát triển tài năng và làm nên thành tựu mới. Ở địa bàn dân cư, việc triển khai xây dựng khu phố/ấp văn hóa… với các tiêu chuẩn được bổ sung ngày càng toàn diện, phù hợp thực tiễn như xây dựng, phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự giao thông, trật tự đô thị, làm cho môi trường xanh sạch đẹp, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, phát huy dân chủ, chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật, tương trợ giúp đỡ nhau…Nếu được chỉ đạo chặt chẽ và có sự hưởng ứng của người dân sẽ làm cho chất lượng sống được nâng lên, làm cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng thực chất và có ý nghĩa đối với cộng đồng.
Môi trường văn hóa là điều kiện hình thành nhân cách con người, lối sống văn hóa. Ở đó cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ được tôn trọng và phát huy, bảo vệ; cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa phải bị phê phán, loại trừ. Hiện nay, môi trường văn hóa còn nhiều vấn đề gây lo lắng, không những có mặt còn chưa lành mạnh mà còn ẩn chứa nguy cơ có thể làm cho các giá trị văn hóa bị mai một trước sự tấn công của các phản giá trị về văn hóa xâm nhập từ bên ngoài, trong khi trận địa truyền thông còn chưa được quản lý tốt, có một số cơ quan, đơn vị có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích. Một bộ phận người trẻ sống đua đòi, hưởng thụ, ăn mặc lố lăng, nói năng văng tục, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội thậm chí còn vi phạm pháp luật, kỷ cương… Nề nếp gia đình, trật tự xã hội chưa được quan tâm đầy đủ, nếu không nói là có sự xuống cấp. Gia đình, nhà trường, xã hội chưa coi trọng giáo dục lao động, chưa có sự phối hợp đồng bộ trong xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa với những chuẩn mực, những giá trị cần thiết, phù hợp. Môi trường xã hội bị ô nhiễm chính là lực cản lớn đối với sự phát triển con người.
Môi trường xã hội có ý nghĩa trực tiếp tác động đến tính cách con người là giáo dục. Một khi giáo dục còn nặng kiến thức hàn lâm, ít dạy làm người, ít dạy lao động, kỹ năng thực hành xã hội và kỹ năng sống… người học sẽ thiếu tự tin, thiếu niềm tin và động lực phấn đấu. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng xây dựng môi trường giáo dục tiên tiến, lành mạnh theo tinh thần của Nghị quyết hội nghị TW lần thứ 8.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã cảnh báo: Mất nước có thể giành lại, nếu các giá trị văn hóa bị hủy hoại, bị mai một, bị mất dần đi thì không bao giờ có thể khôi phục và giành lại được. Muốn văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phải coi trọng xây dựng môi trường văn hóa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ở gia đình, cộng đồng… Xây dựng các quy chuẩn, hệ giá trị, các quy ước cộng đồng, phải đề cao việc nêu gương và tuyên truyền những tấm gương tốt.
Vấn đề cùng chung lo là quan tâm xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa - cái nôi nuôi dưỡng phẩm chất, nhân tố tích cực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
PHẠM PHƯƠNG THẢO