Đứng trước ngôi mộ cổ, nhưng chúng tôi vẫn không thấy ngôi mộ đâu. Bởi lẽ, tại đây hộ bà Phạm Thị Ba (48/24A đường Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM) đang xây dựng công trình nhà ở trùm lên cả phần mộ cổ.
Chị Phạm Thị Dung, Tổ trưởng Tổ dân phố 71, cho biết: “Tôi và gia đình đã sống ở đây từ lâu. Trước đây, khu vực này chưa đông đúc, náo nhiệt như bây giờ. Ngôi mộ rất đẹp, nằm trên mặt bằng rộng khoảng 300m². Dù không biết người nằm dưới mộ là ai, nhưng với tình cảm tôn trọng tiền nhân nên hàng ngày bà con quanh đây đều dọn dẹp, đốt nhang, dâng hoa quả. Nhiều người ở các vùng lân cận cũng thường xuyên đến viếng mộ cổ. Nhưng, thời gian gần đây, ngôi mộ đã bị lấn chiếm cất nhà, nên có muốn vào đốt nhang cũng không thể”.
Chuyện phần đất của ngôi mộ cổ bị lấn chiếm không phải bây giờ mới có. Từ những năm 1980, một số người đã ngang nhiên lấn chiếm đất ngôi mộ cổ để xây dựng nhà ở. Người dân địa phương bức xúc, đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, nhưng càng ngày việc lấn chiếm càng nhiều hơn. Theo những người dân tại khu vực này phản ánh, ban đầu căn hộ kế bên ngôi mộ chỉ dựng tạm hàng rào sát bụi chuối gần ngôi mộ, lần hồi họ đốn bụi chuối, xây tạm cái nhà bếp và đến nay thì xây dựng công trình kiên cố trùm qua ngôi mộ. Điều người dân rất bất bình là xây dựng lấn chiếm nhưng lại được chính quyền địa phương cấp giấy phép.
Được biết cách đây hơn 20 năm, từ phản ánh của người dân, Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM đã phối hợp với Ban Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội) đến khảo sát ngôi mộ. Căn cứ theo văn bia, đoàn khảo sát đã kết luận ngôi mộ cổ này của một quan triều Nguyễn được các con lập vào năm 1875. Dù có phải là di sản văn hóa hay không, có cần bảo tồn hay không, cũng không thể để người dân tùy tiện lấn chiếm xây dựng nhà trùm ngôi mộ. Rất mong chính quyền TPHCM và quận Phú Nhuận nhanh chóng kiểm tra, ngăn chặn việc lấn chiếm đất và xây nhà trùm lên ngôi mộ cổ này.
ĐOÀN HIỆP