Xem xét kỹ tiêu chuẩn “tề gia”

Một trong những tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 được nêu rõ trong quy định là “gia đình phải gương mẫu”. Đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thì yêu cầu này đối gia đình họ càng đòi hỏi nhiều hơn, xem xét kỹ hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không phải lúc nào cũng được cấp ủy khóa cũ xem xét thấu đáo. Dường như đây là vấn đề nhạy cảm, khó định lượng và khó phán xét hơn so với các tiêu chuẩn khác về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, nhận thức chính trị…

Một trong những tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 được nêu rõ trong quy định là “gia đình phải gương mẫu”. Đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thì yêu cầu này đối gia đình họ càng đòi hỏi nhiều hơn, xem xét kỹ hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không phải lúc nào cũng được cấp ủy khóa cũ xem xét thấu đáo. Dường như đây là vấn đề nhạy cảm, khó định lượng và khó phán xét hơn so với các tiêu chuẩn khác về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, nhận thức chính trị…

Giữ gìn và xây dựng gia đình mình luôn tốt đẹp là trách nhiệm của tất cả những người làm cha, mẹ, nhất là đối với gia đình là cán bộ, đảng viên. Gia đình cán bộ, đảng viên tốt sẽ là những gương điển hình tốt để bà con trong khu phố noi theo. Nhưng trong thực tế, lại không ít gia đình có những ông bố, bà mẹ là cán bộ thường dễ mắc sai lầm trong “tề gia”. Nhiều gia đình nuông chiều con quá mức. Họ chỉ chăm chú thỏa mãn mọi yêu cầu của con, kể cả những yêu cầu không chính đáng mà quên mất một nguyên lý sơ đẳng là càng yêu thương con bao nhiêu thì lại càng phải đặt ra yêu cầu cao bấy nhiêu để chúng nên người, thành tài. Không yêu cầu, không đòi hỏi con trẻ từ thấp đến cao, không tập cho chúng biết yêu lao động, trước hết là lao động tự phục vụ và lao động học tập là lỗi phổ biến của bậc cha mẹ.

Có những gia đình, người vợ làm nhiệm vụ “cửa sau” cho chồng, trực tiếp tác động để người chồng ra những quyết định có lợi cho mình, hoặc chồng “ngó lơ” để vợ làm điều sai trái… Trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy không ít sự bất hạnh của nhiều gia đình mà vợ, con buôn gian bán lận, đầu cơ trục lợi, nghiện hút ma túy... Sự suy thoái trong suy nghĩ, hành vi của họ đã làm méo mó các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, làm hư hỏng con cái họ, có khi làm hư hỏng cả một lớp người mà lẽ ra họ phải chuẩn bị trực tiếp kế tục sự nghiệp của cha anh. Bi kịch gia đình và sự phá hoại xã hội bắt đầu từ những gia đình mà bố mẹ thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục, thiếu đạo đức công dân.

Một khi cán bộ, đảng viên không “tu thân” thì khó mà “tề gia”, ngược lại, khi không “tề gia” sẽ khó mà “tu thân”. Chính vì lẽ đó, khi đánh giá hoặc chọn lựa những người để bầu vào cấp ủy mới, nhất là những cán bộ trong diện “cơ cấu cứng” dự kiến sẽ nắm giữ các chức vụ quan trọng ở khóa mới thì cấp ủy khóa cũ cần xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng về thực trạng của bản thân gia đình người cán bộ đó cũng như vai trò, trách nhiệm của người cán bộ đó trong việc thực hiện chức năng giáo dục gia đình.

LÊ HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục