Yêu thử, sống thử

Yêu thử, sống thử

Những năm gần đây, nhiều nam nữ sinh viên từ các tỉnh về TPHCM học. Qua thời gian, các sinh viên này yêu nhau, thuê phòng trọ chung sống mà không cần đăng ký kết hôn. Chuyện sống thử này đang lan ra cả trong giới công nhân các tỉnh về làm việc tại các khu công nghiệp. Hiện tượng này có người đồng tình, nhưng dư luận chung vẫn phản đối.

        “Góp gạo nấu cơm chung”

Vào các xóm nhà trọ quanh các trường đại học, khu công nghiệp ở TPHCM, xen lẫn các nhà trọ cho người độc thân, chúng ta rất dễ tìm thấy những phòng trọ dành cho những đôi nam nữ sống thử. Có nơi những cặp sống thử này quần tụ sống với nhau thành một khu, vì chung hoàn cảnh, dễ cảm thông.

N. và H. cùng là sinh viên năm 4, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, yêu nhau được gần một năm, cả hai quyết định dọn về chung sống tại một căn phòng trọ ở Làng đại học Thủ Đức (quận Thủ Đức, TPHCM) rộng khoảng 15m2. H. cho biết: “Mình và bạn trai sống chung với nhau đã được một thời gian, thấy cả hai rất hợp tính nhau. Cả hai cùng suy nghĩ rằng khi dọn về sống với nhau sẽ có nhiều lợi ích, thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn; ngoài ra, tiền chi phí sinh hoạt sẽ rẻ hơn so với sống riêng một mình”. Đôi bạn trẻ còn cho biết, sợ bố mẹ biết chuyện nên cả hai đã nghĩ đủ cách che giấu, khi bố mẹ đến thăm, một người sẽ đi ở nhà bạn ít ngày. Khi bố mẹ về, cả hai lại bắt đầu trở lại cuộc sống sống thử.

Một khu nhà trọ có nhiều sinh viên sống thử tại Làng đại học Thủ Đức.

Một khu nhà trọ có nhiều sinh viên sống thử tại Làng đại học Thủ Đức.

Kín đáo hơn, đôi bạn trẻ L. và V. cùng học Trường ĐH Kinh tế - Luật, yêu nhau được một thời gian rồi cả hai cũng quyết định về sống chung với nhau. E ngại mọi người biết nên họ thuê 2 phòng riêng nhưng ăn ở chung với nhau. Đôi bạn trẻ cho biết: “Vì sợ ba mẹ biết nên cả hai đứa mình chọn cách chuyển phòng trọ gần nhau, cũng như vợ chồng sống chung nhà, nhưng vẫn còn chút không gian riêng tư. Cách sống như vậy cũng giúp cả ai cảm thấy tự do, thoải mái hơn những khi cần không gian yên tĩnh, thời gian riêng tư cho bạn bè hoặc khi có người thân ghé thăm”.

K. và L. đều là công nhân, sau 9 tháng sống thử, đã phải chia tay vì người bạn trai suốt ngày ăn nhậu, không chịu đi làm, hai người suốt ngày cãi nhau. L. chia sẻ: “Đó là sai lầm lớn nhất khi tôi không suy nghĩ thật chín chắn về chuyện tình cảm”.

        Thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình

Dù Luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000 đã quy định: Các trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn, không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng, nhưng nhiều người vẫn bất chấp, sống thử như vợ chồng. Việc này dễ dẫn đến hậu quả xấu khi hai bên nảy sinh vấn đề về pháp lý liên quan nhân thân, tài sản và con cái. Trên thực tế đã có nhiều hệ lụy từ việc sống thử như phá thai, bỏ bê học tập, chia tay nhau… và thường người nữ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

L. sống chung với bạn trai được gần một năm. Khi cô có thai, người bạn trai lấy lý do cả hai còn quá trẻ, chưa lo được cho gia đình nên khuyên L. đến bệnh viện phá thai. L. vẫn quyết định giữ thai và về nhà bố mẹ ở Bình Định, bỏ dở việc học hành để sinh con. Do áp lực của nhà L., nhà trai đành chấp nhận tổ chức đám cưới mà không lấy gì làm vui vẻ, hạnh phúc. L. ở nhà nuôi con, còn người chồng trẻ tiếp tục vào thành phố công việc học hành. Không biết đoạn cuối của cuộc hôn nhân này ra sau, nhưng đoạn đầu đã thấy đầy nước mắt ê chề. Tuy vậy, so với nhiều cặp sống thử khác, L. vẫn là người may mắn vì bạn trai còn chịu tiến tới hôn nhân. Thực tế chỉ một số ít cặp sống thử tiến tới hôn nhân sau một thời gian sống chung, đa phần các cặp đều chia tay nhau. Phần lớn các bạn thanh niên đang ở độ tuổi từ 20 - 24 chưa đủ nhận thức về một cuộc sống gia đình, sau khi sự việc xảy ra thông thường sẽ thoái thác, không nhận trách nhiệm. Còn đối với các bạn nữ lại thiếu hiểu biết về kiến thức hôn nhân, giới tính, không lường trước những phức tạp nên đã gánh chịu nhiều hậu quả đáng tiếc.

Những sự việc đau lòng trên nói lên thực trạng một bộ phận giới trẻ, chưa trang bị đủ những kiến thức cần thiết về hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, còn các nguyên nhân khác như sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình, môi trường sống thiếu các loại hình giải trí lành mạnh… cũng khiến cho tình trạng sống thử tăng lên. Thực tế đó cho thấy vấn đề trang bị kiến thức hôn nhân - gia đình tại gia đình, nhà trường, doanh nghiệp… cần được đẩy mạnh. Nên chăng các tổ chức xã hội có những buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản, kiến thức hôn nhân - gia đình bằng nhiều hình thức khác nhau, để giúp giới trẻ trang bị đầy đủ khi quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân.

PHAN VĂN ANH

Tin cùng chuyên mục