Ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử trước tháng 9-2018 ​

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ với mục tiêu cao nhất là tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp...

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (hoàn thành trước tháng 9-2018); thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2018.

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) về thời hạn và các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả và công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện các thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện Nghị quyết và đạt được một số kết quả. Năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hiệp quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193.

Việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ cũng đã cơ bản hoàn thành. Đã có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trừ một số bộ, cơ quan đặc thù.

Mặc dù vậy, đến nay tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết 36a mới đạt 61,9% - Thủ tướng thẳng thắn nhận định. Một số nhiệm vụ của bộ, ngành đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện xong, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, hay việc cấp phép qua mạng điện tử mới bước đầu được triển khai, chưa có kết quả rõ rệt…

Cụ thể hoá tiến độ hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử thực sự, người đứng đầu Chính phủ cho biết, để đẩy nhanh việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 12 - 2018. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (hoàn thành trước tháng 9-2018); thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2018.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ tiếp tục được triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ với mục tiêu cao nhất là tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục