Chạy đua giành ảnh hưởng ở Nam Á

Báo chí nước ngoài vừa cho biết, Ấn Độ dự định thuê sân bay ít khách nhất thế giới ở Sri Lanka, trong khi Sri Lanka chuẩn bị bàn giao cho Trung Quốc kiểm soát cảng biển bận rộn nhất thế giới. Các chuyên gia địa chính trị thế giới nhận định, đây là những nỗ lực nhằm kiềm chế lẫn nhau giữa 2 cường quốc này. 
Xe hơi của Ấn Độ cập cảng Hambantota của Sri Lanka - hiện do Trung Quốc kiểm soát
Xe hơi của Ấn Độ cập cảng Hambantota của Sri Lanka - hiện do Trung Quốc kiểm soát
Vai trò của sân bay
Được thiết kế đón hàng triệu hành khách mỗi năm, sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa (còn gọi là sân bay quốc tế Hambantota) - một dự án hoành tráng của cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, mở cửa vào năm 2013 - đã thất bại hoàn toàn khi chỉ nhận được hàng chục khách mỗi ngày. Tuy nhiên, Ấn Độ dự kiến sẽ trả 300 triệu USD để thuê dài hạn sân bay có diện tích gần 720ha ở miền Nam Sri Lanka trong vòng 40 năm, nơi đã từng là đất hoang được sử dụng để làm kho dự trữ lúa gạo.
David Brewster, một chuyên gia về các chiến lược ở Ấn Độ Dương tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định trên The Interpreter: “Các kế hoạch tương lai của Ấn Độ cho sân bay khá mơ hồ. Có lẽ đó là một trường hàng không, một địa điểm mới cho các đám cưới của người dân Ấn Độ, rất ít cơ hội có thể đem lại lợi nhuận. Đó không phải là mục tiêu của thỏa thuận”. Thay vào đó, lý do của việc thuê lại sân bay có thể hiểu là do khoảng cách của sân bay đến cảng vận chuyển ở Hambantota do Trung Quốc điều hành chỉ cách khoảng nửa tiếng lái xe. Khi Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi xuyên lục địa thông qua kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đều quan ngại rằng, Trung Quốc muốn sử dụng cảng Sri Lanka như một căn cứ hải quân, nhưng khả năng đó sẽ bị cản trở nghiêm trọng nếu không có quyền vào sân bay.
“Một yếu tố quan trọng cho bất kỳ căn cứ hải quân nào ở nước ngoài, thậm chí là cơ sở hậu cần, là phải dễ dàng tiếp cận nhân lực và các nguồn cung cấp bằng đường hàng không. Một căn cứ hải quân cũng đòi hỏi khả năng giám sát hàng hải. Vì thế, việc kiểm soát sân bay Hambantota sẽ giúp Ấn Độ giám sát cảng”, chuyên gia Brewster viết.
“Thật khó để có thể tưởng tượng việc Trung Quốc đang phát triển một cơ sở quan trọng tại Hambantota mà không có sự kiểm soát sân bay. Nói ngắn gọn, Ấn Độ đang chi 300 triệu USD cho một sân bay nhằm ngăn chặn một căn cứ hải quân có thể hình thành của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”. 
Nỗi sợ của Ấn Độ về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương không phải là vô căn cứ. Báo cáo năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận, các tàu ngầm mang tên lửa của Trung Quốc đang hoạt động tại Ấn Độ Dương. Một năm trước, khi quan hệ giữa Trung Quốc với Sri Lanka nồng ấm, Trung Quốc bắt đầu đóng tàu chiến và tàu ngầm tại cảng Colombo của Sri Lanka khiến Ấn Độ không an tâm.
Tầm quan trọng của cảng
Trung tuần tháng 12, Sri Lanka chính thức chuyển quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Bắc Kinh với hợp đồng cho thuê trong 99 năm trị giá 1,1 tỷ USD, do China Merchants Group làm chủ. Thỏa thuận này có hiệu lực tức thì, mở đường thuận tiện hơn cho Trung Quốc đến với một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới cũng như có thể tiếp cận được hàng chục quốc gia nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Trong đó, bao gồm phần lớn châu Phi, nơi mà Bắc Kinh đang có sức ảnh hưởng tăng lên nhanh chóng, cũng như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có dân số và thị trường được dự đoán sẽ bùng nổ.
Theo Financial Times, cảng do Trung Quốc kiểm soát có thể dẫn tới “mức giá thấp và cải thiện chuỗi cung ứng trên toàn khu vực, do đó có thể thúc đẩy sự tăng trưởng to lớn về khối lượng thương mại”. Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, đây là mối nguy hiểm tiềm tàng vì họ cho rằng, Trung Quốc vận hành cảng không chỉ để mở đường ra Ấn Độ Dương. Ấn Độ coi cảng Hambantota như là một “hạt ngọc trai” trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc. Mỗi “hạt ngọc trai” là một trong những căn cứ quân sự của Bắc Kinh và các liên minh ở Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương kết hợp với nhau nhằm bao vây Ấn Độ hiệu quả. 
Ankit Panda, biên tập viên chuyên về an ninh của tạp chí The Diplomat, nhận xét: “Việc mua lại cảng của Trung Quốc đã dẫn đến sự báo động nguy hiểm ở Ấn Độ, điều này chắc chắn hỗ trợ sự phát triển kinh tế và chiến lược phát triển của Bắc Kinh trong khu vực Ấn Độ Dương”. Chỉ mới đầu năm nay, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên ở Djibouti trong vùng Sừng Châu Phi, hướng trực tiếp về phía Tây Ấn Độ.
Nam Á khó có chính sách đối ngoại cân bằng
Hồi tháng 4-2017, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina thăm Ấn Độ và ký 27 thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ, trong đó có 3 hợp đồng hợp tác quân sự. Phá vỡ những nguyên tắc ngoại giao, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra tận chân cầu thang máy bay đón Thủ tướng Bangladesh. Đây là lần đầu tiên 2 quốc gia ký kết hợp đồng mua bán vũ khí và chủ yếu là Bangladesh mua vũ khí của Ấn Độ. Hợp đồng được ký kết giữa lúc có báo cáo cho rằng, quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Bangladesh đang tăng lên và gần đây Trung Quốc đã cung cấp cho Bangladesh 2 tàu ngầm. 
Trung Quốc cũng đang gia tăng sự hiện diện ở Maldives, xây dựng cảng, nhà máy nhiệt điện và cơ sở hạ tầng giao thông cũng như phát triển các thành phố cho Maldives. Ấn Độ và Trung Quốc cũng cạnh tranh quyết liệt tại Afghanistan. Cả 2 quốc gia đều tăng cường hợp tác an ninh với nước này. Ấn Độ chuyển giao trực thăng cho Afghanistan vào năm 2015 và xây dựng Tòa nhà Quốc hội Afghanistan vào năm 2016, đồng thời tổ chức Hội nghị Trái tim châu Á ở New Delhi để bàn tương lai phát triển và ổn định cho Afghanistan. Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu tăng cường tuần tra an ninh chung với Afghanistan, thảo luận về tuyến đường sắt kết nối 2 nước, tiếp tục hợp tác với nước này thông qua các diễn đàn song phương và đa phương. Tại Bhutan, Ấn Độ đang duy trì ảnh hưởng của mình, trong khi Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng đến nước này. 
Cuộc cạnh tranh cũng quyết liệt ở Nepal. Nepal và Ấn Độ thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao, còn Trung Quốc đã ký với Nepal Hiệp ước quá cảnh và theo báo chí Ấn Độ thì Trung Quốc đang gia tăng đáng kể ảnh hưởng ở đây và chính phủ cũ của Nepal được cho là thân Trung Quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Nepal hiện nay lại thân Ấn Độ. Chính vì vậy, việc triển khai Hiệp ước quá cảnh đến nay vẫn còn bế tắc mặc dù chuyến đi thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal vừa diễn ra. 
Theo các chuyên gia, khi 2 nước lớn trong khu vực tranh giành ảnh hưởng, các nước láng giềng sẽ gặp khó khăn trong xây dựng chính sách đối ngoại, bởi chính trong quốc hội và chính phủ của họ cũng chia rẽ. Trong trường hợp này, thay vì có một chính sách đối ngoại ổn định, cân bằng cho phép họ phát triển kinh tế thì các đảng phái lại loay hoay, mâu thuẫn để đối phó với Ấn Độ và Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục