Xa rồi, người giúp sức làm rung chuyển Sài Gòn xuân 1968!

Xa rồi, người giúp sức làm rung chuyển Sài Gòn xuân 1968!

Đột ngột đến bàng hoàng khi tôi được tin ông Trần Sĩ Hùng (thường gọi bác Tư Hùng) mất, mặc dù chỉ 3 năm nữa ông tròn tuổi 90. Gặp ông, nhiều người tưởng ông khoảng 70 tuổi. Bởi vì ông trẻ trung cả về dáng vóc, tác phong và cả trong tư duy, giọng nói, tầm nhìn...

Xa rồi, người giúp sức làm rung chuyển Sài Gòn xuân 1968! ảnh 1

Ông Tư Hùng (bên trái) và em trai – ông Mười Hương.

Ông Tư Hùng đã phải trải nghiệm gần 60 năm bươn chải, lăn lộn giữa thương trường. Sinh ra, lớn lên trong gia đình khá giả, giàu truyền thống cách mạng ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, 16 tuổi (tháng 8-1937) ông đã đi hoạt động cách mạng.

Qua nhiều vị trí công tác khác nhau, đến năm 1954, ông được Đảng, quân đội giao nhiệm vụ đặc biệt - tình báo chiến lược, hoạt động tại Sài Gòn. Với cái vỏ nhà buôn, nhà thầu khoán lớn, ông vừa tạo nguồn kinh tế hoạt động cách mạng vừa có cơ hội thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Đầu năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm đánh vào Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, ông kể với tôi mà nước mắt cứ ứa ra:

- 16 anh em hy sinh, chỉ còn mình tôi thôi. Tôi nhớ, trưa 30 Tết, Hai Chí (cán bộ đội biệt động Thành) gặp tôi nói rõ kế hoạch đánh Sứ quán Mỹ. Tôi biết ngay đây là nhiệm vụ bổ sung, vội vã, chưa được chuẩn bị chu đáo cả về người và phương tiện. Vì ngày tết có tiền cũng chẳng mua nổi xe nên Hai Chí đánh bạo cầu cứu mượn xe tôi và nhờ tôi lái.

Đến lúc ấy, Hai Chí vẫn nghĩ tôi là nhà thầu khoán yêu nước chứ không biết tôi là tình báo chiến lược. Nếu đánh mục tiêu khác thì tôi từ chối ngay, vì cương vị tôi không thể làm công việc bạo động. Nhưng đây là mục tiêu cực kỳ quan trọng, đánh vào không chỉ rung chuyển Sài Gòn mà còn khiến kẻ thù bên kia bán cầu khiếp sợ.

Chiều tối, tôi lái chiếc xe Dauphine, loại 4 chỗ, màu trắng đến quán phở Bình (số 7 Yên Đổ, nay là đường Lý Chính Thắng). Đây là sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch Mậu Thân. Khoảng nửa đêm, tôi chở Ba Đen (Đội trưởng đội Biệt động) cùng 3 người nữa đi nhận bộc phá tại nhà chị Phê (59 đường Điện Biên Phủ), rồi vòng ra khu vực nhà thờ Đức Bà. Đi sau xe tôi là một xe tải hạng nhẹ, chở quân. Khi tôi cho xe dừng sát lề đường, trước cổng Sứ quán Mỹ, các chiến sĩ nhanh chóng nhảy xuống áp bộc phá vào tường, gây nổ rồi lao vào trong, vừa bắn B40, vừa nổ bộc phá.

Khi anh em ra khỏi xe, tôi phóng xe vào con hẻm gần đó rồi đi bộ ra một căn nhà bỏ trống đối diện sứ quán để quan sát. Nếu lúc ấy phóng xe ra về hoặc đi bộ trên đường sẽ bị chúng bắt ngay nên tôi chọn vị trí ngồi lại. Nghe tiếng nổ, hàng chục xe Zeep của cảnh sát và quân cảnh ập đến, rải quân dọc bờ tường, nhăm nhăm họng súng chĩa ra. Một lát sau mấy chiếc trực thăng quần đảo, bắn như vãi đạn xuống tòa đại sứ. Tôi đau xót, biết chắc là anh em hy sinh...

Lúc đó ông chợt nghĩ đến người em trai của mình, không hiểu đang ở hướng nào, sống chết ra sao? Người ấy chính là Trần Quốc Hương (thường gọi Mười Hương), ngày ấy chỉ huy nhóm tình báo chiến lược nội thành Sài Gòn, sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông tâm sự: “Anh em tôi gặp nhau trong nhà tù Diệm - Nhu, những năm 1959 - 1964. Sau này vài lần gặp trên phố nhưng vì giữ nguyên tắc, chúng tôi không dám nhận nhau, không trò chuyện gì...”.

Gần gũi ông, tôi luôn nhận ra đức tính ấy: Nguyên tắc trong công việc; tình cảm, hòa đồng trong đời thường. Ông luôn mãn nguyện về tổ ấm yên vui, hạnh phúc của mình. Người bạn đời của ông là cựu tù chính trị Côn Đảo, đã từng là cán bộ Ban Bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng những năm sau ngày Tổ quốc thống nhất. Các con ông đều là cử nhân thành đạt.

Ngày 23-10 này, mọi người tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Hình bóng ông xa rồi nhưng trong lòng những chiến sĩ cách mạng cùng bà con TP Hồ Chí Minh vẫn còn mãi bác Tư Hùng thân thương, quý trọng - người từng giúp sức làm rung chuyển Sài Gòn xuân 1968. 

ĐÀO VĂN SỬ

Tin cùng chuyên mục