Hội thảo 100 năm Nguyễn Tất Thành ở Bình Định (1809- 2009)

Tư tưởng yêu dân, yêu nước của Nguyễn Huệ được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước cách mạng

Tư tưởng yêu dân, yêu nước của Nguyễn Huệ được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước cách mạng

Năm 1884, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có con gái đầu lòng là bà Nguyễn Thị Thanh, 1888 có con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và 1890 có con thứ 3 Nguyễn Tất Thành... Được sự giúp đỡ của gia đình vợ, cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Huế học, mang theo vợ con và cái khung cửi để ươm tơ dệt lụa, lấy tiền nuôi con ăn học…

Trước khi làm Tri huyện Bình Khê, cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy học, thường kể chuyện Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Mai Hắc Đế, Lê Lợi, nhất là Quang Trung. Cụ còn giảng cảnh đẹp non sông đất nước, và nhân lúc nhàn rỗi đưa học sinh lên Phượng Hoàng trung đô, nơi Quang Trung xây sau chiến thắng quân Thanh để nung nấu lòng yêu nước cho thanh niên và học tập tinh thần ái quốc của Nguyễn Huệ. Chính những điều đó in sâu vào đầu óc non trẻ của học trò cụ Phó bảng. Năm 1907, cụ đã tham gia vào phong trào yêu nước, tích cực vận động nhân dân chống sưu thuế ở Trung kỳ- phong trào đầu tiên ở Đông Dương, có ảnh hưởng lớn trong Nam ngoài Bắc, làm cho thực dân Pháp lo lắng.

Giặc nghĩ ra một âm mưu mới, bắt cụ Phó bảng ra làm Tri huyện Bình Khê 1909. Người làng đòi đi theo hầu, cụ nói: “Các anh về nhà lo làm ăn, tôi đi chuyến này chưa chắc đã làm quan. Vì quan trường là nô lệ giữa chốn nô lệ”.

Việc đầu tiên khi đến Bình Khê, là cụ cho thả những người tù chống sưu thuế do Pháp bắt giam. Thứ hai là kêu gọi nhân dân đoàn kết, hợp quần. Cụ không ăn lễ lộc của ai. Cụ khuyên không nên kiện cáo, chỉ hòa giải. Ngoài ra cụ thông sức cho các ông lang trong huyện đến sát hạch kiểm tra năng lực chuyên môn. Với các thầy thuốc kém, cụ khuyên kiếm cách khác làm ăn, làm thầy thuốc thế thì chỉ hại đồng bào...

Bác thăm nông dân HTX nông nghiệp ngoại thành - Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Bác thăm nông dân HTX nông nghiệp ngoại thành - Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Theo nhiều nguồn tư liệu tin cậy, trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn lên vùng An Khê thăm và ở với cha gần 1 năm. Học tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Văn Thọ, cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, và thăm nơi khởi binh của anh em Nguyễn Huệ tìm hiểu, học tập tinh thần của nhà yêu nước, đại anh hùng của dân tộc ta. Tư tưởng thương dân, không chịu áp bức nô lệ của Nguyễn Huệ đã hun đúc tinh thần cách mạng của Nguyễn Tất Thành.

Trong những ngày dạy học ở Phan Thiết, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, trước là học trò Trường Dục Thanh, nơi thầy Thành dạy học, có kể lại: Thầy giáo Thành dạy lớp 3, thường mặc áo bà ba vải, chân đi guốc… Thầy giáo Thành như nhập tâm, bao giờ cũng kể chuyện về Quang Trung, cái thời kỳ ngột ngạt ở Thăng Long của những ngày quân Thanh chiếm đóng, bên trong thì ầm ĩ chuyển mình trăn trở báo hiệu một cơn dông tố cực lớn. Lòng hận thù nung nấu cho nên khi xuất quân ra Bắc Hà, tư tưởng xuyên suốt của Nguyễn Huệ là quyết chiến đấu giải phóng Thăng Long, giải phóng đất nước: “Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Cái khẩu khí trong lời tuyên cáo trước quân dân ta thuở ấy của Nguyễn Huệ, cũng như của Bác Hồ sau này “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” vậy.

Có thể nói, đất Tây Sơn- Bình Định đã in đậm trong ký ức Nguyễn Tất Thành, tạo bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Tất Thành. Tư tưởng yêu dân, yêu nước của Nguyễn Huệ được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và nâng cao thành Chủ nghĩa yêu nước vô sản. Nhân dân Bình Định có quyền tự hào về sự hiện diện của Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành. Chắc chắn nơi này sẽ là điểm đến của khách thập phương, khi những di tích về Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Sinh Cung- Nguyễn Tất Thành- Hồ Chí Minh được phục dựng…


Trích tham luận của nhà văn ĐOÀN MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục