Báo chí đã tác động tích cực đến đời sống xã hội

Báo chí đã tác động tích cực đến đời sống xã hội

(SGGP). – Ngày 5-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010. Các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các địa phương và lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước.

Đồng chí Trương Tấn Sang và các đại biểu tham dự hội nghị.

Đồng chí Trương Tấn Sang và các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan chủ quản báo chí và lãnh đạo một số tờ báo đã phát biểu nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề định hướng thông tin từ các cơ quan chức năng; việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, định hướng thông tin báo chí với các tờ báo trong quá trình thông tin tuyên truyền các vấn đề lớn, nhạy cảm; yếu tố kinh tế thị trường và đạo đức nhà báo; các khuôn khổ pháp lý để xử lý sai phạm cũng như bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp; việc phát triển kinh tế báo chí thời kỳ mới. Đặc biệt là vai trò, nhận thức chính trị về sự định hướng của Đảng, Nhà nước của người đứng đầu các cơ quan báo chí trong việc quyết định đăng hay không những thông tin nhạy cảm, thông tin mang tính đối ngoại nhiều chiều.

TBT Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông và TBT Báo điện tử Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn cho rằng xu hướng phát triển truyền thông qua các mạng xã hội, blog là sự tất yếu hiện nay. Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có những biện pháp kịp thời, hiệu quả để định hướng thông tin trên lĩnh vực này và cần xem đó là một kênh truyền thông quan trọng với sức tác động lớn trong xã hội nhất là đối với lớp trẻ Việt Nam.

Với vấn đề kinh tế báo chí, TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển và TBT Báo Tuổi Trẻ TPHCM Phạm Đức Hải đều cho rằng, cần làm rõ hơn nữa mô hình “Tập đoàn báo chí” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trước đây. Việc phát triển kinh tế báo chí là một xu thế tất yếu, điều quan trọng là cần có những mô hình cụ thể cả về chính sách, cơ chế lẫn sự đầu tư để cho các tờ báo có thể làm kinh tế theo đúng pháp luật, tiếp tục phát triển, mà vẫn giữ vững được tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình, qua đó sẽ tránh được yếu tố báo chí “bị thương mại hóa” như dư luận từng đề cập.

TBT Trần Thế Tuyển kiến nghị, các cơ quan cấp trên cần sớm nghiên cứu, ban hành những văn bản pháp luật về hoạt động báo chí trong tình hình mới, để các báo có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển lâu dài của mình một cách vững vàng...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hơn 3 năm qua, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, triển khai những việc làm thiết thực, đạt được kết quả tích cực. Hầu hết các cơ quan báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới; tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm của đất nước; tuyên truyền về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; biểu dương, động viên các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các lực lượng thù địch, phản động...

Hoạt động tuyên truyền báo chí, về cơ bản, đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị các cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí cần coi trọng hơn nữa việc xây dựng định hướng phát triển, định hướng thông tin; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ; chính sách tài chính cho hoạt động báo chí; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa kịp thời khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của báo chí.

Các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí cần tiếp tục chăm lo hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí; đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, những người được giao phụ trách các chuyên trang, chuyên mục; nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành của các trường, các cơ sở đào tạo báo chí; tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực; coi trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới...

Tr.Lưu

Thông tin liên quan:

>> Trích bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010.

Tin cùng chuyên mục