Kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM: Cần tạo cơ sở thiết kế mô hình chính quyền đô thị

Ngày 1-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến đại biểu (ĐB) HĐND TP khóa 8 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được tiến hành.
Kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM: Cần tạo cơ sở thiết kế mô hình chính quyền đô thị

Ngày 1-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp chuyên đề lấy ý kiến đại biểu (ĐB) HĐND TP khóa 8 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được tiến hành.

  • Làm rõ cơ chế, cách thức giám sát của nhân dân

Tất cả các đại biểu HĐND TPHCM đều nhất trí cao với Điều 4 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Nhà nước và xã hội. Góp ý cụ thể, ĐB Nguyễn Đình Hưng nêu rõ: “Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này đã bổ sung vào Điều 4 hai đoạn hết sức quan trọng. Đó là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” và “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế và cách thức giám sát của nhân dân, cơ chế và cách thức chịu trách nhiệm trước nhân dân thực hiện thế nào phải được luật định.

Các đại biểu HĐND TPHCM thông qua kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Các đại biểu HĐND TPHCM thông qua kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

“Lỗ hổng” xung quanh cơ chế và cách thức giám sát này cũng được ĐB Trần Trọng Dũng góp ý. ĐB Dũng cho rằng, Điều 117 quy định ĐB HĐND “chịu sự giám sát của cử tri”. Trong dự thảo, từ “giám sát” được sử dụng đến 14 lần nhưng chưa có điều khoản nào quy định cụ thể “cơ chế, cách thức” để cử tri giám sát ĐB HĐND (cũng như ĐB Quốc hội) và kết quả việc giám sát đó được xử lý như thế nào? Do đó, cần phải bổ sung trong Điều 6 một khoản: “Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các ĐB Quốc hội, ĐB HĐND, các công chức, viên chức trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền giám sát của nhân dân theo luật định.

ĐB Trần Trọng Dũng đề nghị bổ sung các giải pháp mạnh hơn vào Điều 118 “ĐB HĐND có quyền yêu cầu, kiến nghị các cơ quan nhà nước ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan này phải có trách nhiệm tiếp ĐB, xem xét, giải quyết kiến nghị của ĐB trong thời gian pháp luật quy định”.

Góp ý về vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng, một trong những chức năng quan trọng nhất của MTTQ là hiệp thương. Có hiệp thương mới lắng nghe, trao đổi thật sự dân chủ các ý kiến của những tầng lớp nhân dân, từ đó tập hợp, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, rồi hiệp thương hiến kế, phản biện xã hội. Do đó, cần phải bổ sung Điều 9 hai nội dung là chức năng “hiệp thương” và việc giám sát, phản biện xã hội “các tầng lớp trong xã hội” của MTTQ.

  • Phân biệt để tạo động lực phát triển

Trong các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992, thu hút sự quan tâm của các ĐB nhiều nhất vẫn là đề nghị cần quy định cụ thể chính quyền địa phương gồm chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Bởi trên thực tế, tổ chức bộ máy chính quyền ở địa bàn nông thôn và đô thị có nhiều điểm khác biệt. Quy định đồng nhất như hiện nay tạo ra một bộ máy chính quyền địa phương rập khuôn, cứng nhắc.

Sau khi dẫn chứng những bất hợp lý từ thực tế quản lý của chính quyền TP hiện nay, ĐB Nguyễn Văn Đua đề xuất nên phân biệt rõ chính quyền nông thôn và đô thị trong lần sửa đổi Hiến pháp này. Nếu quy định như dự thảo, TPHCM sẽ không có cơ hội thí điểm đề án của mình khi đưa ra mô hình “thành phố trong thành phố” với 4 TP Đông, Tây, Nam, Bắc nằm trong đô thị lớn là TPHCM. Việc sửa đổi hợp lý sẽ tạo cơ sở cho việc thiết kế mô hình chính quyền đô thị, nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế, tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn hơn, cán bộ công chức có năng lực cao hơn, giảm tầng nấc, góp phần khắc phục tình trạng cắt khúc trong quản lý - ĐB Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.

Đây cũng là ý kiến xuyên suốt của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Theo bà, cần bổ sung vào chương Chính quyền địa phương một điều khoản nguyên tắc để làm cơ sở ban hành quy định luật sau này về vấn đề trên. Hiến pháp có thể quy định “những tỉnh, TP trực thuộc trung ương có đủ điều kiện được xây dựng chính quyền đô thị theo luật”. Theo dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nội dung quy định về vai trò, tính chất HĐND trong chương Chính quyền địa phương gần như không thay đổi so với Hiến pháp 1992. Do đó, rất cần ghi cụ thể thêm trong chương này rằng “Chính quyền địa phương cần phù hợp với đô thị, nông thôn” để làm tiền đề cho việc xây dựng chính quyền đô thị sau này. “Quy định như vậy sẽ mở đường cho các đô thị đang phát triển, đô thị đầu tàu trong cả nước ngày càng phát triển vượt bậc, đóng góp chung vào sự phát triển của cả nước” - Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh.

Từ 1-4: Thu phí qua cầu Rạch Chiếc  

Cũng tại kỳ họp này, các ĐB đã biểu quyết thông qua 2 tờ trình. Cụ thể, chấp thuận chủ trương của UBND TP kết thúc thu phí hoàn vốn dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường Điện Biên Phủ và Kinh Dương Vương kể từ ngày 31-3-2013; tiến hành thu phí hoàn vốn đầu tư dự án cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội kể từ ngày 1-4-2013. Mức thu phí như sau: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng: 15.000 đồng/vé lượt, 450.000 đồng/vé tháng, 1.200.000 đồng/vé quý. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: 22.000 đồng/vé lượt, 660.000 đồng/vé tháng, 1.800.000 đồng/vé quý. Xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet: 40.000 đồng/vé lượt, 1.200.000 đồng/vé tháng, 3.200.000 đồng/vé quý…

Đối với tờ trình của Thường trực HĐND TPHCM về dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thống nhất việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Cụ thể, HĐND TPHCM thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ tịch HĐND, các phó chủ tịch HĐND, ủy viên thường trực HĐND, trưởng ban HĐND; chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND, các ủy viên của UBND. HĐND xã, thị trấn thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND xã, thị trấn; chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND, các ủy viên của UBND xã, thị trấn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hàng năm của HĐND TPHCM, kể từ năm 2013 của nhiệm kỳ VIII (2011 - 2016) và HĐND xã, thị trấn kể từ năm 2013 của nhiệm kỳ.

NHÓM PVCT 

Ngày 1-3, tại Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở 2) TPHCM đã diễn ra hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với sự tham gia của nhiều chuyên gia về luật pháp, giảng viên các trường ĐH ở TPHCM. Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện mục đích tôn chỉ hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc thông qua Hiến pháp sửa đổi lần này đánh dấu bước phát triển mới về chất lịch sử lập hiến Việt Nam.

KH.B.

Tin cùng chuyên mục