Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Cần bổ sung chế định Đoàn đại biểu Quốc hội

Ngày 8-3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo các nội dung liên quan đến quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(SGGP).- Ngày 8-3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo các nội dung liên quan đến quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chương V về Quốc hội gồm 17 điều (từ Điều 74 đến Điều 90), trong đó gộp Điều 88 và 93 cũ thành một điều mới là Điều 90. Dự thảo bỏ Điều 89 cũ (về bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội), thêm một điều mới là Điều 83 (“Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”).

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều thống nhất cao với một sự thay đổi cơ bản trong dự thảo, đó là “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp” thay vì “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” như Hiến pháp 1992. Việc thay đổi đã mở rộng cửa để nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia vào hoạt động lập hiến, lập pháp. Tuy nhiên, liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, dự thảo đã bỏ đi nhiệm vụ, quyền hạn “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” so với Hiến pháp hiện hành.

TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng đây là một thay đổi không hợp lý. Không nên bỏ nhiệm vụ, quyền hạn này để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể có quyền trình dự án luật và các ban soạn thảo dự án, bảo đảm tính chất ổn định của chương trình và tính nghiêm túc trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Bên cạnh các chủ thể đã được đề cập trong Hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi bổ sung (như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội...), còn một chủ thể quan trọng là Đoàn đại biểu Quốc hội (của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa được đề cập đến trong các chế định về Quốc hội nêu trong dự thảo. Ông Thanh đề nghị nên có một điều riêng hoặc một khoản trong Điều 84 của dự thảo Hiến pháp để quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội. 

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục