Đầu tư đồng bộ logistics vùng ĐBSCL

Ngày 18-12,  Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị “Phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải vùng ĐBSCL”. 

Theo Bộ GTVT, vùng ĐBSCL có điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông với các vùng miền cả nước, các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Những năm qua, Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông ở ĐBSCL, nhiều công trình giao thông trọng yếu được hoàn thành, như: cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Mỹ Lợi, cầu Năm Căn, cầu Cổ Chiên, cầu Đầm Cùng… giúp cho giao thông thông suốt, đi lại thuận lợi, nhanh chóng. Song song đó, việc hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và quốc tế.

Ước tính kinh phí Trung ương đầu tư các công trình giao thông đã hoàn thành ở ĐBSCL giai đoạn 2010- 2015 khoảng 58.415 tỷ đồng. Nhờ cải thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa giai đoạn 2010- 2016 đạt khoảng 4.657 triệu lượt khách và 468 triệu tấn hàng hóa…

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, vùng ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải là “đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không” đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng. Tuy nhiên, hệ thống logistic vẫn còn kém phát triển; vấn đề liên kết vùng cũng chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị

Theo nghiên cứu, chi phí logistics ở Việt Nam là 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm 56%. Như vậy, việc đầu tư phát triển giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL và cả nước.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistisc Việt Nam, đánh giá: “Gần 80% hàng hoá của vùng ĐBSCL vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng ở Đông Nam bộ, làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên từ 5-10 USD/tấn…”.

Lãnh đạo Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng, tổng vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của cả nước năm 2017 (cả xuất nhập khẩu) dự kiến khoảng 800.000 tấn  (tăng 21% so với năm 2016). Vietnam Airlines, mong muốn tạo ra mô hình trung tâm logistics hàng không, kết hợp với đường bộ, đường thuỷ, đây là mô hình rất cần thiết cho ĐBSCL.

Các doanh nghiệp vận tải đề xuất nghiên cứu hình thành tuyến vận chuyển container trên sông Vàm Cỏ Đông, cải tạo các luồng sông để tàu lớn đi lại dễ dàng…

Vận chuyển hàng hóa ở cảng Cái Cui-Cần Thơ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: “Hệ thống giao thông ở ĐBSCL có cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, sự kết hợp chưa chặt chẽ làm phát sinh chi phí vận tải hàng hóa.  Trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ đề xuất các cơ chế nhằm phát triển nhanh hạ tầng. Đồng thời, xem xét từng trục đường, cảng… nơi nào cần gấp sẽ đầu tư sớm. Ngoài ra, cần phát huy vận tải đa phương thức, kết hợp đường thủy, đường bộ, kho bãi… để tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống logistics ở ĐBSCL nhằm giảm giá thành, giúp hàng hóa cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu hình thành những trung tâm logistics phụ để thu gom hàng hóa sau đó vận chuyển về trung tâm logistics chính, từ đây xuất khẩu đi quốc tế…”.

Tin cùng chuyên mục