Để người lao động không nhảy việc

Để người lao động không nhảy việc

Trong nhiều năm qua, cứ sau đợt nghỉ tết dài ngày, nhiều người lao động không trở lại làm việc, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn do chậm tiến độ công việc theo hợp đồng với các đối tác. Nguyên nhân do đây là thời điểm một số công nhân tranh thủ tìm việc làm ở nơi khác để có thể có một vị trí làm việc mới với mức lương, chế độ đãi ngộ tốt hơn nơi cũ. Đặc biệt hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đã mở các xí nghiệp vệ tinh ở ngay các vùng quê để thu hút nhân công, nên người lao động có cơ hội làm việc gần nhà sau một thời gian dài bôn ba xứ người. Vì vậy, sau tết, các doanh nghiệp tại các thành phố lớn thường phải giăng đầy băng rôn, thông báo tuyển dụng, thậm chí một số địa phương tổ chức hội chợ việc làm ngay sau tết để bù đắp lượng lao động bỏ việc cũng như tạo cơ hội lựa chọn việc làm mới cho người lao động.

Ảnh minh họa: MỸ HẠNH

Có thể nói tình trạng người lao động bỏ việc, nhảy việc sau tết gây nên sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp, vì nguồn lao động không được ổn định, tay nghề phải đào tạo lại nếu tuyển mới, tiến độ và năng suất làm việc giảm…, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng và uy tín với đối tác trong thực hiện các hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, việc nhiều người lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết cũng có một phần lỗi của các doanh nghiệp trong việc đãi ngộ cũng như các chế độ thu hút khác trong quá trình sử dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp đã quá khắt khe trong việc quản lý, môi trường lao động thiếu thân thiện, khiến người lao động không có thời gian nghỉ ngơi; chế độ lương và ưu đãi cho người có thâm niên làm việc không tốt, đặc biệt chính sách hỗ trợ như thưởng, mua tặng vé tàu xe chưa được tốt… khiến nhiều người lao động không mặn mà với doanh nghiệp cũ, sẵn sàng nhảy việc nếu như họ tìm thấy cơ hội tốt hơn ở nơi khác.

Các giải pháp của doanh nghiệp như giữ lại một phần tiền lương hoặc tiền thưởng để chi trả cho người lao động khi đi làm lại sau tết; trả công cao, có tiền lì xì cho công nhân đến làm việc đúng thời hạn... vẫn chưa phải là giải pháp thượng sách để ổn định nhân công và ổn định hoạt động sản xuất sau tết. Chính vì vậy, để giữ chân người lao động sau tết nói riêng và lâu dài nói chung, ngoài chế độ lương, thưởng, các doanh nghiệp còn phải xây dựng được môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả; có chế độ đãi ngộ tương xứng theo thời gian làm việc để người lao động thực sự xem doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai của mình, nhằm cống hiến và gắn bó một cách bền vững.

VĂN THI HOÀNG
(Hội An, Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục