Vụ việc mang đến nhiều bàn luận trái chiều khi người cha bị lên án vì hành xử hung hăng, kém văn minh, không biết tôn sư trọng đạo; còn nhà trường bị chê trách vì ứng xử kém tế nhị khi bêu tên học sinh dưới cờ chỉ vì chưa đóng BHYT.
Bản thân tôi là giáo viên, khi đọc câu chuyện này, cảm thấy rất chạnh lòng. Dẫu rất đồng cảm với nhà trường phải chịu áp lực thi đua trong việc thu hộ tiền BHYT, sau đó vì nóng lòng đạt chỉ tiêu mà vô tình làm tổn thương cả thầy và trò. Nhưng, thực trạng trên càng gióng lên một hồi chuông đáng báo động về tình hình lạm dụng sức lao động quá nhiều của giáo viên.
Hàng năm, nhà trường phải tiến hành thu rất nhiều khoản phí khác nhau. Với khối lượng công việc lớn nhưng nhân sự ở nhà trường lại có hạn, mỗi giáo viên chủ nhiệm đành đứng ra gánh công việc của nhân viên thu ngân cho các loại dịch vụ trong nhà trường. Đây là vấn nạn rất lớn của ngành giáo dục, là nguyên nhân làm mất vị thế của người thầy. Tôi là giáo viên dạy cấp hai. Từ sáng sớm, tôi phải tất bật ra khỏi nhà để kịp giờ vào lớp. Hết một ngày dạy học, về nhà lại phải tất bật với việc chấm bài, viết báo cáo, sổ sách, giáo án, chuẩn bị dự giờ... Cuối tuần, thay vì được nghỉ ngơi, đành thời gian cho gia đình, tôi phải cố gắng hoàn thành hết mọi nhiệm vụ. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn phải kiêm nhiệm vô số công việc từ phổ biến công tác phòng cháy chữa cháy, kế hoạch tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, phòng chống HIV-AIDS, sổ sách giấy tờ công đoàn… đến kiểm tra, nhắc nhở việc học sinh đóng BHYT, học phí, phong trào thi đua của lớp… Công việc giáo viên ngỡ là nhàn nhã nhưng kỳ thực lại vô cùng vất vả. Khoảng thời gian dành cho cá nhân rất hạn hẹp mà ngoài chuyện ở trường, giáo viên còn có gia đình và muôn chuyện để lo. Đáng buồn hơn là việc hoàn thành nghĩa vụ thu phí trở thành tiêu chí thi đua quan trọng ở nhiều trường học. Nếu giáo viên không hoàn thành nghĩa vụ do nhà trường đề ra, sẽ bị nhắc nhở, thậm chí răn đe trước hội đồng.
Bản thân giáo viên chúng tôi chẳng ai muốn phải dành quá nhiều thời gian cho các thủ tục ngoài lề như thế. Giá như thời gian đó giáo viên và học sinh có thể dành để trò chuyện, tâm tình với nhau những vấn đề gần gũi, thân thiết thì hay biết mấy. Càng buồn hơn, khi tình trạng này đã kéo dài rất nhiều năm. Nếu hỏi chúng tôi mong muốn điều gì nhất, câu trả lời được chọn đầu tiên không phải là tăng lương mà là hãy để giáo viên làm đúng, làm tốt công việc chuyên môn mà họ được đào tạo.