Phim đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Bài 1: Phim lịch sử - Vị thế đặc biệt

Phim đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Bài 1: Phim lịch sử - Vị thế đặc biệt

Vốn được xem là mảng phim thành tựu nhất trong nền điện ảnh Việt Nam, ngày nay, những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng ngày càng thưa vắng. Người làm phim, các đơn vị làm phim bây giờ đều chọn phương án “an toàn” bằng cách làm những phim dễ làm, dễ chiếu và dễ thu hồi vốn. Vì thế, phim đề tài chiến tranh cách mạng trở thành “hàng hiếm”, “hàng độc quyền” khi có sự “bảo hộ” của nhà nước.

  • Niềm tự hào của ngành điện ảnh Việt Nam

Thời đất nước khó khăn, chúng ta lại có rất nhiều bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng thành công, để lại ấn tượng mạnh mẽ, nhận nhiều giải thưởng quốc tế và được xem là những bộ phim “kinh điển” của nền điện ảnh Việt Nam, như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang…

Sang thời kỳ phim màu, phim đề tài này có ít hơn, song chúng ta vẫn có những bộ phim tạo được chú ý như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Hà Nội mùa đông 46, Hà Nội 12 ngày đêm, Giải phóng Sài Gòn, Ký ức Điện Biên… và mới đây nhất có Đừng đốt.

Một cảnh hoành tráng có máy bay, xe tăng trong phim "Giải phóng Sài Gòn".
Một cảnh hoành tráng có máy bay, xe tăng trong phim "Giải phóng Sài Gòn".

Mỗi khi có một dự án làm phim đề tài chiến tranh cách mạng đều thu hút sự chú ý của không chỉ người trong giới mà cả khán giả. Người xem chờ đợi ngày phim ra mắt, sau khi tìm hiểu, đón đọc mọi thông tin xung quanh bộ phim ngay từ lúc phim bấm máy. Điều ấy cho thấy khán giả Việt Nam thật sự hy vọng về những sản phẩm, những bộ phim ở thể loại này. Nhưng đôi khi sự hy vọng, kỳ vọng lại trở thành sự nuối tiếc khi chất lượng phim không hoàn toàn như mong đợi. Còn nhớ hồi ấy, khán giả đã thấy mừng khi nghe phim Giải phóng Sài Gòn được nhà nước đầu tư kinh phí vào loại kỷ lục: hơn 12 tỷ đồng (lúc ấy năm 2005, nhiều lắm một phim cũng chỉ dừng ở mức 3, 4 tỷ đồng). Nhưng khi phim trình chiếu, số đông chỉ ghi nhận đây là bộ phim nặng về tái hiện lại lịch sử và nên sử dụng làm phim minh họa cho việc giảng dạy lịch sử trong các trường học.

Bây giờ, khi kinh tế, kỹ thuật phát triển, tiền đầu tư cho phim cũng “dễ thở” hơn (hơn chục tỷ đồng/phim nhựa và vài chục tỷ đồng/phim truyền hình là chuyện bình thường) nhưng việc làm phim đề tài chiến tranh cách mạng lại xem ra khó khăn hơn. Rất ít phim được thực hiện và càng ít hơn những bộ phim gây được ấn tượng. Nhưng dù thế nào, mảng phim đề tài này vẫn cần và phải được duy trì. Phim nhựa cùng phim truyện truyền hình đều vào cuộc, với tính toán theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” để vẫn là phim chiến tranh cách mạng, nhưng không nặng về thể hiện sự hoành tráng, quy mô của chiến tranh mà chủ yếu khai thác số phận, con người trong cuộc chiến. Thời gian qua đã có nhiều phim truyền hình thu hút và được khán giả yêu mến như: Dòng đời, Con gà trống, Con khỉ mồ côi, Vị tướng tình báo và hai bà vợ, Dưới cờ đại nghĩa, Trò chơi sinh tử, Vó ngựa trời Nam… Sắp tới đây, hai bộ phim truyền hình dài tập đề tài chiến tranh cách mạng là Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn tàu không số (dài 40 tập) và Huyền thoại 1C (dài 20 tập) được đầu tư thực hiện chu đáo, công phu và những đại cảnh trong phim hứa hẹn sẽ là những khung hình đáng giá, mãn nhãn.

  • Kích thích lòng yêu nghề

Thời nay, không có nhiều cơ hội được làm phim đề tài chiến tranh cách mạng, nên khi được bắt tay thực hiện một bộ phim nào đó, không chỉ đạo diễn mà toàn bộ ê kíp làm phim lúc nào cũng hăng hái như… ra trận. Có phim, thời gian theo đuổi từ lúc là dự án, đến khi phim hoàn thành mất mấy năm, nhưng hầu hết ai cũng bền bỉ, quyết không chịu bỏ cuộc. Điểm lại có thể thấy, nếu không phải người yêu nghề, sống chết với nghề khó ai có thể chờ đợi, theo đuổi bộ phim kiên tâm đến thế.

Cảnh vận chuyển bằng đường sông của lực lượng TNXP trong phim "Huyền thoại 1C" do Hãng phim Tây Nam sản xuất.
Cảnh vận chuyển bằng đường sông của lực lượng TNXP trong phim "Huyền thoại 1C" do Hãng phim Tây Nam sản xuất.

Phim Giải phóng Sài Gòn thực hiện trong 8 năm, trong đó có 4 năm dành cho việc quay hình. Phim Hà Nội 12 ngày đêm khởi quay từ năm 1997 đến năm 1999 mới xong; lại mất gần 2 năm cho việc làm kỹ xảo, âm thanh nên đến năm 2002 phim mới được trình chiếu. Với những đại cảnh cần đến máy bay, xe tăng, tàu chiến và hàng ngàn diễn viên quần chúng, việc chuẩn bị kéo dài cả tháng, dù đã được sự hỗ trợ tối đa của Bộ Quốc phòng. Có khi phải tổ chức quay cả ngày chỉ để lấy được vài mươi giây cảnh bắn tên lửa, cảnh hành quân, cảnh xe tăng máy bay đi càn hay cảnh đoàn xe tăng tiến vào Sài Gòn, cảnh máy bay trực thăng đổ quân…

Ngay sau khi kết thúc 2 ngày quay đại cảnh (có cả trực thăng, tàu chiến và quay trong điều kiện thời tiết đang có đợt áp thấp nhiệt đới, toàn bộ ê kíp làm phim sau khi kết thúc cảnh quay đều nằm bẹp vì say sóng) cho bộ phim truyện truyền hình Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn tàu không số, đạo diễn Xuân Cường đã không giấu được sự xúc động, hạnh phúc, anh nói giọng lạc đi: “Thật quá vất vả, nhưng cũng quá hạnh phúc, biết đến bao giờ đạo diễn mới có cơ hội để được thực hiện những cảnh như thế này. Chúng tôi làm bằng tinh thần sống chết với nghề. Không khí trường quay những ngày này đã “nạp” thêm năng lượng để chúng tôi tiếp tục yêu nghề, cảm hứng với nghề, sau một thời gian dài chỉ làm phim theo lối mòn, đơn điệu”.

Cũng trong tâm trạng vui mừng, phấn khích vì cảnh quay đạt yêu cầu, đạo diễn Hữu Mười - đạo diễn bộ phim truyện nhựa đang quay Mùi cỏ cháy cho biết: “Khi ý đồ dàn dựng cho một cảnh quay đạt được như mong muốn, tất cả chúng tôi đều thấy thật vui mừng vì ai cũng muốn thể hiện tốt nhất, tái hiện lại sự kiện lịch sử một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất”. Bộ phim Mùi cỏ cháy tái hiện lại trận đánh tái chiếm thành cổ Quảng Trị. Phim được bấm máy từ tháng 12-2010. Đoàn phim đã mất gần 3 tháng để xây dựng lại một góc thành cổ Quảng Trị tại Làng văn hóa các dân tộc Đồng Mô. Trong phim cũng có sử dụng thiết giáp M.113. Hiện nay, ngoài Mùi cỏ cháy, Hãng Phim truyện Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện song song hai phim đề tài này là Những người viết huyền thoại và Nếu như anh còn sống.

Có lẽ, tâm trạng rưng rưng, bồi hồi, xúc động và hạnh phúc, vui mừng là cảm xúc chung của tất cả những đạo diễn thực hiện mảng phim đề tài này. Tự hào về truyền thống anh hùng của cha ông, cũng là tự hào khi mình được thể hiện lại những điều đó bằng phim ảnh. Sau mỗi lần tham gia những bộ phim này, lòng yêu nghề trong các đạo diễn như được tiếp thêm sức mạnh.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục