Điện ảnh Việt Nam 10 năm qua - Vẫn dậm chân tại chỗ

“Suốt thập niên qua, điện ảnh Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ, chưa có thành tựu nào vượt qua những tác phẩm trong quá khứ”. Đó là một trong những nhận định được nhiều ý kiến đồng thuận tại hội thảo “Điện ảnh Việt Nam, 10 năm nhìn nhận và đánh giá” tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày điện ảnh Việt Nam, diễn ra ngày 8-3 tại Hà Nội.
Điện ảnh Việt Nam 10 năm qua - Vẫn dậm chân tại chỗ

“Suốt thập niên qua, điện ảnh Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ, chưa có thành tựu nào vượt qua những tác phẩm trong quá khứ”. Đó là một trong những nhận định được nhiều ý kiến đồng thuận tại hội thảo “Điện ảnh Việt Nam, 10 năm nhìn nhận và đánh giá” tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày điện ảnh Việt Nam, diễn ra ngày 8-3 tại Hà Nội.

Tổng kết 10 năm giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát thẳng thắn thừa nhận, mặc dù trung bình mỗi năm điện ảnh Việt Nam sản xuất 10 bộ phim truyện nhựa, khoảng 100 phim trong một thập kỷ qua nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn khả quan. Trong 10 mùa giải Cánh diều thì có tới 3 năm “mất mùa”.

Poster phim Tâm hồn của mẹ.
Poster phim Tâm hồn của mẹ.

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng (Hãng phim truyện Việt Nam) cho rằng, nếu tính từ bộ phim truyện nhựa đầu tiên do nhà nước đặt hàng, bộ phim Chung một dòng sông được sản xuất vào năm 1959, đến nay phim truyện nhựa do nhà nước tài trợ và đặt hàng đã lên tới trên dưới 600 bộ phim. Đã có một thời, dòng phim truyện nhựa do nhà nước tài trợ và đặt hàng thống lĩnh các rạp chiếu khắp đất nước, tạo nên những hiệu ứng xã hội, hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ và sâu rộng.

Đồng hành với sự suy giảm về số lượng, phim truyện nhựa do nhà nước tài trợ và đặt hàng, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay cũng bắt đầu có sự suy giảm về chất lượng. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận xét: “10 năm qua, nhìn lại tôi thấy điện ảnh Việt Nam đang thua toàn diện so với quá khứ. Phim nghệ thuật, phim chiến tranh cách mạng đều không có thành tựu. Tất cả mọi mặt từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, âm nhạc, diễn viên đều không có gì mới, công trình lý luận phê bình cũng không, nếu viết bài nào phê bình một bộ phim đến đầu đến đũa thì bị cho là “thù hằn cá nhân”.

Thậm chí chỉ viết bài nhận định về tác phẩm mà “lờ” đi những người sáng tạo ra nó để tránh tiếng là “thù hằn” cũng không xong. Lớp đạo diễn trẻ mới ra trường thì lao ngay vào làm phim dài tập, chưa đủ sức làm phim cũng được giao, quay phim thì chỉ là những người ghi hình chứ chẳng sử dụng kỹ xảo, góc máy nào được coi là có cá tính, diễn viên toàn vơ vội các cô người mẫu, ca sĩ, hoa hậu”... Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng: “Hình như nhà nước đang theo “bồ trẻ truyền hình” mà bỏ quên “vợ già điện ảnh””.

Không chỉ các đạo diễn mà các nhà biên kịch, nhà phê bình điện ảnh… cũng đăng đàn nói về thực trạng èo uột của điện ảnh Việt Nam. Đây không phải lần đầu điện ảnh có được sự nhìn nhận thẳng thắn như vậy và điều đó cũng lý giải cho việc dù hội thảo đã kết thúc nhưng chưa một giải pháp nào được coi là căn cơ đối với thực trạng này được đưa ra.

Vì thế nếu cứ tiếp tục chỉ dừng lại ở các cuộc gặp gỡ “tố khổ” như vậy thì liệu rằng 10 năm nữa cụm từ “thua quá khứ” sẽ vẫn được nhắc lại mà thôi. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục