Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm

Cần nhưng chưa rõ

Dạy thêm, học thêm (DT-HT) là một nhu cầu có thật nhưng hiện đang có một sự nhập nhằng giữa khái niệm DT-HT tích cực và DT-HT tiêu cực. Như Báo SGGP đã thông tin, UBND TPHCM vừa ban hành quy định về quản lý DT-HT trên địa bàn TPHCM. Quy định này gồm 4 chương, 20 điều và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4-4-2008. Làm sao quản lý DT-HT hiệu quả chứ không chỉ là việc “chữa bệnh hình thức”? Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý giáo dục góp ý quy định này.

Dạy thêm, học thêm (DT-HT) là một nhu cầu có thật nhưng hiện đang có một sự nhập nhằng giữa khái niệm DT-HT tích cực và DT-HT tiêu cực. Như Báo SGGP đã thông tin, UBND TPHCM vừa ban hành quy định về quản lý DT-HT trên địa bàn TPHCM. Quy định này gồm 4 chương, 20 điều và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4-4-2008. Làm sao quản lý DT-HT hiệu quả chứ không chỉ là việc “chữa bệnh hình thức”? Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý giáo dục góp ý quy định này.

  • Bà HOÀNG THỊ HỒNG HẢI, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú:
    Phòng Giáo dục không có người để kiểm tra DT-HT

Ở TPHCM, DT-HT không chỉ là chuyện bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém mà còn là chuyện quản lý con em giùm cho PHHS. Quy định ràng buộc trách nhiệm của người quản lý, một quận, huyện có hàng trăm GV, nếu chỉ cần 50% GV có DT-HT thì cũng không quản lý xuể. Hiện biên chế Phòng Giáo dục không có người để quản lý, kiểm tra, cấp phép DT-HT, nhất là trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Phòng Giáo dục xem xét cấp phép hoạt động cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện như quy định. Muốn quản lý có hiệu quả, kiểm tra nghiêm túc phải tăng thêm người cho phòng, chưa kể tăng lương vì trước khi cấp giấy phép DT-HT cho cấp THCS, tiểu học, Phòng Giáo dục phải thẩm định điều kiện, xem kế hoạch dạy học (nội dung, chương trình, thời gian dạy, số buổi dạy), phương tiện dạy học, cơ sở vật chất…

  • Ông TRẦN MẬU MINH, Hiệu trưởng THCS Trần Văn Ơn, quận 1:
    Chỉ nên xây dựng mức trần học phí

DT-HT không phải là hiện tượng tiêu cực mà chỉ có tồn tại tiêu cực trong DT-HT. Chính vì vậy, UBND TP ban hành quy định về DT-HT nhằm hạn chế tiêu cực, biến tướng của DT-HT là điều cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi thấy quy định còn một số điểm cần phải hướng dẫn rõ ràng hơn. Ở chương II, DT trong nhà trường không bao gồm ôn thi tốt nghiệp THCS. Dù lớp 9 chỉ xét tốt nghiệp nhưng các em phải qua kỳ thi tuyển vào lớp 10 nên chúng tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung: HS lớp 9 được ôn thi trong trường. Mức thu DT trong nhà trường do Sở GD-ĐT và Sở Tài chính quy định, nếu xây dựng mức như học phí công lập thì sẽ không có GV nào chịu dạy. Tôi đề nghị liên sở chỉ xây dựng mức trần học phí, nếu xây dựng mức học phí cứng nhắc sẽ bó chân, bó tay nhau. Điều 6, chương II, “không tổ chức dạy thêm quá 3 tiết/buổi học và không quá 3 buổi/tuần” cần ghi rõ thêm vì có những HS HT nhiều môn. DT 3 buổi/tuần là mức chung cho 1 môn hay nhiều môn? Quy định GV không DT cho HS của mình không khả thi. Có những trường hợp GV dạy ở trung tâm, HS của chính GV đăng ký học thì giải quyết như thế nào? Điều này dường như lại mâu thuẫn với điều 14 “Cá nhân GV DT ngoài nhà trường hoặc những người dạy kèm cho HS theo yêu cầu của phụ huynh được miễn cấp giấy phép DT”. Dạy kèm bao nhiêu HS được miễn giấy phép? Khá dễ dàng để PHHS làm đơn nhờ thầy cô giảng dạy cho con em mình nhưng ranh giới giữa DT và dạy kèm mong manh. Trong khi đó, UBND có trách nhiệm quản lý DT-HT, Phòng Giáo dục cấp phép nhưng hiệu trưởng lại phải chịu trách nhiệm.

  • Ông NGUYỄN PHÙNG QUỐC HÙNG, Hiệu trưởng THCS Trung Phú, Củ Chi:
    Cấm GV dạy HS của mình là không khả thi

Khoản 2, điều 11 quy định: “Cá nhân giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại các trường, trước khi tổ chức DT phải đăng ký và được phép của hiệu trưởng nơi công tác; không được DT cho HS đang học tại các trường phổ thông do chính GV đó trực tiếp giảng dạy” cần phải xem lại. Trường tôi có nhiều thầy giáo dạy cho HS mất căn bản không lấy tiền hoặc chỉ lấy tượng trưng. Quy định nhằm hạn chế tiêu cực nhưng lại trói tay người dạy có tấm lòng không được dạy cho HS của mình. Ở khía cạnh tích cực, DT tốt vì có nhiều GV kinh nghiệm, đúc kết lại giúp HS nắm bắt bài vở nhanh. Vì vậy, nếu cấm GV dạy HS của mình là không khả thi, là đánh đồng giữa người thầy có tâm với người thầy o ép HS…

  • Ông NGUYỄN HOÀNG VIỆT, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận:
    Hiệu trưởng sẽ không kiểm soát được DT-HT ngoài nhà trường

Dạy thêm và học thêm, đã trở thành “vấn nạn quốc gia” của giáo dục Việt Nam. Xã hội và cả nhà trường kỳ vọng nhiều ở quy định quản lý DT-HT để chấn chỉnh và trả lại bản chất tốt đẹp của DT-HT nhằm nâng cao kiến thức cho người học. Điều 3 quy định “không DT cho HS tiểu học trừ trường hợp nhận quản lý HS ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình”, hay điều 14 “cá nhân GV DT ngoài nhà trường hoặc những người dạy kèm cho HS theo yêu cầu PH được miễn cấp giấy phép” khó phân định vì hầu như các lớp HT đều tự nguyện, chưa kể sự vận động PHHS viết đơn tự nguyện đi học thêm mà chỉ có GV và HS mới biết việc đi học là tự nguyện hay bắt buộc. Điều 10 quy định: Hiệu trưởng phải kiểm tra hoạt động DT-HT trong nhà trường và ngoài nhà trường của GV, cán bộ do mình quản lý. Hiệu trưởng sẽ không kiểm soát được DT-HT ngoài nhà trường. Chúng tôi chỉ có thể xác định tư cách, năng lực của người thầy. Kiểm tra trong nhà trường là việc tất nhiên nhưng ngoài nhà trường thì chúng tôi ôm không xuể…

Doanh Doanh

  • Nguyên tắc thực hiện DT-HT:

Nội dung và phương pháp DT phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho HS; phải phù hợp chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý người học; không gây tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học. Hoạt động DT-HT có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy, trừ trường hợp miễn cấp phép theo quy định tại quyết định này. Không được ép buộc HS học thêm chỉ vì mục đích để thu tiền.

  • Các trường hợp không thực hiện DT bao gồm:

Các lớp học 2 buổi/ngày; HS tiểu học (trừ trường hợp nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo HS yếu, kém…); cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, chuyên nghiệp không tổ chức DT-HT theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là HS, học viên của cơ sở giáo dục đó.

(Trích Quy định về quản lý DT-HT trên địa bàn TPHCM)

Tin cùng chuyên mục