Giáo dục thường xuyên: Nhiều hạn chế, bất cập

Để thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, ngoài các ngành học khác, ngành giáo dục thường xuyên cũng đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần thay đổi.

Để thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, ngoài các ngành học khác, ngành giáo dục thường xuyên cũng đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần thay đổi.

Ngày 5-4-2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản số 2258/BGDĐT-GDCN gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố “Chỉ đạo các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ đào tạo TCCN phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện, tỉnh tổ chức tuyển sinh học sinh (HS) tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) để đào tạo TCCN, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình trung học phổ thông (THPT)… nhằm thực hiện hiệu quả giải pháp phân luồng sau THCS”. Nếu thực hiện phân luồng theo hướng dẫn trên rất khó khả thi vì các lý do sau:

- Theo Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28-6-2010 của Bộ GD-ĐT quy định về chương trình khung TCCN thì học phần văn hóa phổ thông dành cho HS tốt nghiệp THCS gồm 3 nhóm với 7 môn (văn, toán, lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý), mỗi nhóm có tổng số tiết từ 1.020 đến 1.260 tiết. Hầu hết HS tốt nghiệp THCS theo học chương trình TCCN không đủ khả năng vào các trường cao đẳng - đại học (CĐ-ĐH) và hiệu suất đào tạo hệ này rất thấp, không quá 50%. Còn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về phân phối chương trình GDTX cấp THPT, HS phải học hết chương trình với tổng số tiết của 4 môn học toán, lý, hóa, văn là 1.122 tiết. Như vậy, thời lượng 4 môn học này của hai chương trình (TCCN và GDTX) là tương đương nhau, nếu HS TCCN phải học thêm các môn trong chương trình GDTX nữa,  đây là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Ở nhiều nước tiên tiến, chương trình cao đẳng chỉ có 2 năm với khoảng 90 tín chỉ, bao gồm các môn học thuộc chương trình phổ thông như tiếng Anh, toán, khoa học (vật lý, hóa học, sinh học), xã hội (lịch sử, địa lý…), ngoại ngữ và môn tự chọn có thể vào từ lớp 11. Hết 2 năm học, HS đủ điều kiện sẽ được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng (Associate of Art Degree hoặc Associate of Science Degree) để đi làm hoặc học liên thông 2 năm để lấy bằng đại học. Nếu HS dự thi thêm chương trình SAT (trước đây là Scholastic Assessment Test, nay là Standardized Test) bao gồm 1 bài kiểm tra toán và bài tiếng Anh (đọc, viết) để nhận thêm bằng THPT (High school Diploma). HS có bằng này được dự tuyển vào bất kỳ trường đại học công cũng như tư thục, và thời gian học cũng chỉ từ 2 năm trở lên tùy ngành học vì đã có bằng cao đẳng.

Với Việt Nam, chương trình hiện hữu các bậc học này vừa thừa, vừa thiếu nên cần xây dựng theo hướng tích hợp và liên thông, mạnh dạn rút ngắn thời gian đào tạo CĐ và cao đẳng nghề còn 2 năm cho đối tượng HS đã tốt nghiệp THPT và 3,5 đến 4 năm cho đối tượng HS tốt nghiệp THCS; cơ cấu lại toàn bộ các trường TCCN, trung cấp nghề (TCN), CĐ, CĐN thành một khối với tên gọi CĐ hoặc Cao đẳng cộng đồng. Làm được điều này, mỗi năm tiết kiệm cho nhà nước và xã hội không dưới 10.000 tỷ  đồng, chưa kể một lượng lớn HS tốt nghiệp tham gia lao động sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội.

Ở nước ta đã có sự bất cập khi áp dụng hình thức GDTX đối với HS lứa tuổi GDPT, các Trung tâm GDTX và Trung tâm học tập cộng đồng đều tổ chức tuyển và dạy HS lứa tuổi phổ thông từ tiểu học, THCS đến THPT bằng chương trình GDTX được “giảm tải và bỏ bớt một số môn học”.

Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch phân luồng HS sau THCS theo một trong các hướng: THPT, TCCN, TCN hoặc GDTX. Như vậy, đã vô tình xem GDTX là một ngành học và tạo nên nhiều hệ lụy không đáng có. Điều này là không phù hợp với bản chất của GDTX, vì GDTX chỉ là một hình thức thực hiện chương trình giáo dục, không phải là một ngành học. Thật vô lý khi HS cùng lứa tuổi GDPT, học và thi theo 2 chương trình khác nhau, văn bằng tốt nghiệp có giá trị pháp lý như nhau. Nội dung ghi trong bằng tốt nghiệp chương trình GDTX không đúng với thực tế. Bằng tốt nghiệp trước năm 2009: Bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc và từ năm 2009: Bằng tốt nghiệp THPT hình thức đào tạo vừa làm vừa học. Trong khi hầu hết HS lứa tuổi phổ thông chỉ đi học chứ không đi làm! Cũng đối tượng này, sau khi tốt nghiệp bậc học phổ thông hệ vừa làm vừa học (VLVH), HS được dự thi vào các trường CĐ-ĐH… và nhiều người lấy cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Có công bằng không và “toàn diện” không khi người học cùng lứa tuổi GDPT, được hấp thu hai chương trình GD khác nhau và có thể đến đích giống nhau? Việc xóa mù và phổ cập các bậc học phổ thông là cần, nhưng không thể duy trì tình trạng “bổ túc hóa” người học trong lứa tuổi GDPT.

Chương trình Bổ túc văn hóa đã hoàn thành sứ mạng lịch sử sau chiến tranh. Ngành GDĐT không thể duy trì chương trình “bổ túc” núp bóng GDTX được nữa. Tại sao chúng ta không chuyển các trung tâm GDTX thành trường phổ thông công lập đa cấp (tiểu học, THCS, THPT) vì các TT GDTX này đều được cấp ngân sách hoạt động. Nếu còn duy trì hình thức GDTX chỉ tạo điều kiện cho một số người thực dụng đạt mục tiêu 2 trong 1 (vừa lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ VLVH, vừa có thời gian luyện thi đại học) và là nơi hứng HS yếu kém từ một số trường THPT. Nếu những HS này vượt qua ngưỡng THPT hình thức VLVH và tiếp tục học hình thức VLVH để lấy bằng CĐ-ĐH (khá dễ) và hơn thế nữa thì hậu quả chúng ta đã biết!

TS NGUYỄN TOÀN
(Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục