Tréo ngoe

Mới đây, tại hội nghị tuyên dương khen thưởng giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2012 - 2013 ở bậc mầm non do Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận TPHCM tổ chức, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã nêu một vấn đề khiến nhiều người có mặt tại hội trường hôm đó phải giật mình suy nghĩ. Đó là tình trạng khó khăn chung về mặt kinh phí của các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn TP. Trong đó, trường càng được công nhận đạt chuẩn quốc gia càng hẹp đường kinh phí hoạt động. Vì đâu xảy ra tình trạng tréo ngoe đó?

Mới đây, tại hội nghị tuyên dương khen thưởng giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2012 - 2013 ở bậc mầm non do Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận TPHCM tổ chức, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã nêu một vấn đề khiến nhiều người có mặt tại hội trường hôm đó phải giật mình suy nghĩ. Đó là tình trạng khó khăn chung về mặt kinh phí của các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn TP. Trong đó, trường càng được công nhận đạt chuẩn quốc gia càng hẹp đường kinh phí hoạt động. Vì đâu xảy ra tình trạng tréo ngoe đó?

Hiện nay, ngân sách địa phương cấp cho hoạt động của các cơ sở giáo dục dựa trên tổng số học sinh của cơ sở đó. Cách làm này dẫn đến tình trạng trường càng có ít học sinh càng nhận được kinh phí thấp. Trong khi đó, theo quy định trường chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT, sĩ số học sinh ở bậc mầm non chỉ từ 30 - 35 em/lớp. Nói như tâm sự của hiệu trưởng (xin được giấu tên) một trường mẫu giáo chuẩn quốc gia ở quận Phú Nhuận: “Trước đây, sĩ số các lớp học ở trường khá cao, dao động trong khoảng 40 - 45 em/lớp. Song từ khi phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, sĩ số không thể vượt quá 35 học sinh/lớp dẫn đến kinh phí cấp hàng năm sụt giảm nghiêm trọng. Bộ phận kế toán của trường phải co kéo lắm mới đủ chi phí hoạt động”. Dù được công nhận là trường chuẩn quốc gia, là ngôi trường mơ ước của nhiều phụ huynh có con sắp bước vào độ tuổi mẫu giáo nhưng mọi hoạt động đều được tiết giảm tối đa. Giáo viên được kêu gọi sáng tạo học cụ dựa trên những nguyên vật liệu có sẵn hoặc không sử dụng chất liệu đắt tiền, các hoạt động biểu diễn văn nghệ, đưa học sinh đi sinh hoạt ngoại khóa đều được thực hiện trên tinh thần đơn giản, tiết kiệm. Phụ cấp cho các cô bảo mẫu thế nào để giữ chân họ trụ lại với trường trong tình hình kinh tế khó khăn là bài toán khiến ban giám hiệu đau đầu. “Chấp nhận cắt giảm số lượng học sinh, phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn. Vậy mà khi đạt chuẩn rồi, hoạt động khó khăn hơn bội phần khiến ngay cả người đứng đầu cũng không tránh khỏi dao động”, nguyên hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận Bình Thạnh bày tỏ.

Trong khi đó, toàn TPHCM hiện nay chỉ có quận 12 thực hiện chính sách cấp bù kinh phí cho cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Theo đó, đối với bậc mầm non, mỗi năm trường được công nhận đạt chuẩn sẽ được cấp bù kinh phí 200 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng là khoản hỗ trợ vô cùng cần thiết để các trường trang trải thêm chi phí hoạt động. Các quận còn lại đều phân bổ kinh phí dựa trên đầu học sinh. Thực tế khó khăn đó khiến ngay cả lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng thừa nhận: “Cho dù là người có tâm huyết cũng chỉ làm vì trách nhiệm phân công chứ chưa thật sự toàn tâm toàn ý cống hiến với nghề”. Do đó, đại diện cơ quan chủ quản kêu gọi giáo viên và lãnh đạo các trường thể hiện tiếng nói của mình trong việc đòi lại quyền lợi, mong có những chính sách hỗ trợ phù hợp hơn để những kỹ sư tâm hồn có thể yên tâm công tác.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục