Hết yêu ô tô?

Nếu như trước đây, ô tô là biểu tượng của tự do, độc lập, các cuộc phiêu lưu thì nay lại tượng trưng cho sự gò bó và độc hại. 
Xe đạp đang là phương tiện giao thông được nhiều người Trung Quốc lựa chọn
Xe đạp đang là phương tiện giao thông được nhiều người Trung Quốc lựa chọn
Tờ Guardian khẳng định sự bùng nổ tình yêu dành cho ô tô đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu: 1/4 lượng khí CO2 thải ra trên toàn thế giới là từ ô tô, khiến 1,3 triệu người chết/năm. Và giờ đây, nhiều nơi trên thế giới, ô tô không còn được ưa chuộng như trước đây. Số người trẻ tuổi lái ô tô tại Anh đã giảm mạnh. Tại Mỹ, năm 1984, khoảng 92% thanh niên có bằng lái xe, nhưng nay tỷ lệ trên đã giảm 15%.

Tốc độ và quy mô bùng nổ ô tô tại Trung Quốc hiện nay tương tự như Mỹ hồi giữa thế kỷ 20 khiến quốc gia hơn 1,4 tỷ dân phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong bài viết “Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh” trên báo Chinadialogue, tác giả Liu Shaokun cho biết, nhiều đô thị lớn tại Trung Quốc đang hy vọng khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua cải tạo các phương tiện giao thông công cộng và đầu tư phát triển dịch vụ xe đạp công cộng, khuyến khích người dân đi xe đạp trong thành phố. 

Năm 2017, Hàng Châu đã đạt một giải thưởng quốc tế về dịch vụ xe đạp công cộng, còn Thâm Quyến mới đây đã cải tạo hệ thống xe bus sang dùng điện 100%. Mạng lưới tàu xe chạy trên đường ray (métro, xe điện…) của 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải dày đặc, có tần suất cao hơn và có nhiều hành khách hơn cả ở London (Anh) và Paris (Pháp). Thành phố Quảng Châu thì phát triển mạng lưới xe bus tốc độ cao với nhiều đường chạy riêng. Còn Thượng Hải thì đầu tư phát triển đường dành riêng cho người đi bộ và những tuyến đường thông thoáng cho xe đạp. Nhiều thành phố khác, trong đó có Vũ Hán và Nam Kinh, ưu tiên phát triển xe đạp điện. Kể từ khi dịch vụ xe đạp công cộng phát triển, số chuyến đi ngắn dưới 5km bằng xe hơi đã giảm như ở Bắc Kinh và Thượng Hải giảm 5%. Tại Nam Ninh, Trung Quốc, 45% số người đi xe đạp điện có xe hơi nhưng họ không sử dụng.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, nếu chính quyền tìm được các phương tiện giao thông bền vững thay thế xe hơi thì cư dân thành thị sẽ chẳng ngần ngại từ bỏ ô tô.

Tại Thái Lan, chính quyền Bangkok đang tiến hành một cuộc cách mạng nhỏ: thực hiện dự án đường dài 10km dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp dọc các con kênh phía Tây Nam thủ đô. Đây được xem là một giải pháp thực thụ cho những người không muốn đi ô tô. Còn chính quyền thành phố Detroit, thủ phủ xe hơi của Mỹ, lại chọn giải pháp giảm số bãi đậu xe để khuyến khích người dân chuyển sang các phương tiện khác ít ô nhiễm hơn...
Nhưng từ bỏ ô tô không phải là điều dễ dàng, vì thói quen đi ô tô đã ăn sâu vào xã hội, từ công việc tới giải trí. Cuộc sống của người Mỹ gắn với ô tô, cho dù họ biết ô tô là nguồn gây nguy hiểm, tắc đường và ngốn rất nhiều tiền. Về sự mâu thuẫn trên, có ý kiến nhận định rằng: “Chúng ta không còn yêu ô tô và có thể là chúng ta chưa bao giờ thực sự yêu chúng, nhưng chúng ta vẫn luôn kết đôi với chúng”.

Tin cùng chuyên mục