“Nóng” chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm ở châu Âu

Bài 1: Châu Âu hạ tiêu chuẩn?
“Nóng” chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm ở châu Âu

Bài 1: Châu Âu hạ tiêu chuẩn?

Liên minh châu Âu (EU) vừa ban hành quy định chuẩn hóa ngưỡng tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) được phép có trong hàng hóa trên toàn lãnh thổ châu Âu. Quy định mới được các nhà nhập khẩu và phân phối hàng nông sản hoan nghênh nhưng đang gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mục đích tốt đẹp

Quy định “Regulation (EC) No 396/2005” chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2008, là kết quả của nỗ lực chung giữa Ủy ban châu Âu (EC), Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và các quốc gia thành viên.

Quy định mới liên quan đến gần 1.100 loại thuốc bảo vệ thực vật đã hoặc đang được sử dụng trong nông nghiệp ở trong và ngoài lãnh thổ EU. Quy định đưa ra danh sách MRL cho 315 sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm chế biến.

“Nóng” chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm ở châu Âu ảnh 1

Thuốc bảo vệ thực vật vẫn được sử dụng rộng rãi ở châu Âu

Theo EC, quy định mới nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện cho người buôn bán và các nhà nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật hoạt động dễ dàng hơn do những rắc rối, nhầm lẫn xung quanh 27 danh sách MRL khác nhau của các nước thành viên đã bị bãi bỏ.

Những quy định được áp dụng trước ngày 1-9-2008 rất phức tạp vì nó kết hợp các quy định của EU và quy định của từng quốc gia.

Chẳng hạn, đối với một số loại thuốc bảo vệ thực vật, EC là người xác định MRL nhưng đối với một số loại khác, các nước thành viên lại làm công việc này.

Trong nhiều trường hợp, một nước thành viên có thể đặt ra MRL cao hơn mức của EC và lại có những loại thuốc bảo vệ thực vật mà cả EC và các quốc gia thành viên đều không xác định MRL.

Sự chồng chéo này dẫn tới sự nhầm lẫn về MRL phải được áp dụng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu và gây thắc mắc đối với người tiêu dùng, đặc biệt là trong trường hợp các loại thực phẩm vượt quá MRL ở một thành viên lại được chấp nhận ở một nước thành viên khác.

Kể từ 1-9, những người quan tâm có thể truy cập trang web của EC để tìm hiểu MRL áp dụng cho mỗi loại hàng hóa và thuốc bảo vệ thực vật.

Còn nhiều nghi ngại

Một báo cáo đồng thời được tổ chức Greenpeace và tổ chức phi chính phủ của Áo Global 2000 công bố khẳng định hiện có 349 loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau có dư lượng trong các loại thực phẩm ở châu Âu.

Greenpeace và Global 2000 cho rằng, trong quy định mới, EC đã hạ thấp tiêu chuẩn về dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật được phép có trong hàng hóa và như thế người tiêu dùng châu Âu sẽ không được bảo vệ trước hơn 200 loại thuộc trừ sâu khác nhau.

Tổ chức Global 2000 trích ý kiến của nhà hóa sinh học Helmut Burtscher khẳng định rằng với quy định mới, các loại hoa quả như táo, lê, nho, cà chua và ớt ngọt sẽ nguy hiểm hơn đối với sức khỏe của trẻ em. Chẳng hạn, đối với một trẻ nặng 16,5kg, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm đối với sức khỏe sẽ vượt qua mức cho phép sau khi trẻ dùng 20g nho (từ 5-7 quả), 40g táo hoặc 50g mận/ngày.

Ở một số quốc gia như Đức hoặc Áo, sự thay đổi trong quy định mới cũng đáng lo ngại. Tại Áo, có tới 65% MRL sẽ tăng và trong một vài trường hợp, mức tăng có thể lên tới 1.000%; trong khi chỉ có 4% MRL có tỷ lệ giảm.

Ở Pháp, giới hạn trước đây được xác định ở mức 0,05mg/kg đối với các loại cam quýt nhưng quy định mới cho phép mức tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật là 2mg/kg - gấp 40 lần. Tỷ lệ chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng gấp 5 lần đối với táo và nho, tăng 2,5 lần đối với dâu tây, 4 lần đối với đậu…

Greenpeace và Global 2000 cho rằng EC đã không đánh giá những tác động tích lũy của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe của con người.

Dựa vào báo cáo của Greenpeace và Global 2000, hai tổ chức bảo vệ môi trường là Natuur en Milieu của Đức và tổ chức hành động chống thuốc trừ sâu châu Âu PAN Europe đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Tư pháp châu Âu, cho rằng “quy định mới của EC hoàn toàn không hợp pháp và phải được xem xét lại khẩn cấp”.

PAN Europe cho biết EC sẽ phải gửi quan điểm của mình với tòa án trong 3 tháng tới và tòa án sẽ cho ý kiến vào đầu năm 2009.

EC trấn an

Nathalie Charbonneau, người phát ngôn của EC đã lên tiếng bảo vệ quy định mới: “Trong nhiều trường hợp, EU đã thiết lập MRL mà nhiều quốc gia thành viên không có, làm cho thực phẩm của châu Âu trở nên an toàn hơn”.

EC không đồng ý với chỉ trích của các tổ chức phi chính phủ, bởi EC đã đưa ra quy chuẩn mới dựa trên những nghiên cứu khoa học rộng rãi hơn những gì các tổ chức này đã làm.

Trên thực tế, việc đánh giá tính an toàn của thực phẩm đối với người tiêu dùng do Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) thực hiện dựa trên độc tố của thuốc bảo vệ thực vật, mức độc tố tối đa ghi nhận được trên sản phẩm và chế độ ăn uống khác nhau của người tiêu dùng châu Âu.

Để đảm bảo MRL thấp nhất có thể, EFSA yêu cầu những người xin chứng nhận về một loại thuốc bảo vệ thực vật nào đó phải trình thông tin khoa học về lượng thuốc bảo vệ thực vật tối thiểu cần thiết cho việc bảo vệ mùa màng và mức tồn dư còn lại trên sản phẩm sau xử lý.

Tiếp đó, EFSA kiểm chứng xem chất tồn dư đó có an toàn cho tất cả các nhóm người tiêu dùng của châu Âu hay không, bao gồm cả những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ sơ sinh, trẻ em và những người ăn chay. Nếu có rủi ro đối với bất kỳ nhóm người tiêu dùng nào, việc áp dụng MRL sẽ bị hủy bỏ và loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ không được sử dụng cho loại cây trồng đó.

Mặc dù bác bỏ cáo buộc của các tổ chức bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng nhưng EC vẫn cam kết sẽ kiểm tra mọi nghiên cứu về sự nguy hiểm của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe người tiêu dùng mà họ nhận được.

Hà Vy (tổng hợp)
(SGGP 12G)

>> Bài 2: Hạn chế thuốc trừ sâu - xu hướng tất yếu

Tin cùng chuyên mục