“Nóng” chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm ở châu Âu

Bài 2: Hạn chế thuốc trừ sâu - xu hướng tất yếu

Bài 2: Hạn chế thuốc trừ sâu - xu hướng tất yếu

Về lâu dài, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần được hạn chế bởi dù dư lượng của thuốc ít hay nhiều cũng tác động tiêu cực tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp - nước tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu châu Âu - đang có những kế hoạch cụ thể nhằm hình thành một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và sức khỏe người dân.

  • Thuốc từ sâu: Lợi bất cập hại

Nếu không được dùng đúng cách và đúng liều lượng, các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể để lại những tác dụng phụ không mong muốn đối với con người qua chất tồn dư của thuốc trong thực phẩm. Trong cuốn sách “Thuốc trừ sâu: Cái bẫy đã sập”, tác giả người Pháp Franois Veillerette đã chỉ ra nguy cơ của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người dựa trên hơn 300 công trình nghiên cứu trên thế giới. Các nghiên cứu chứng minh rằng các phân tử hóa chất tích tụ trong cơ thể có hại cho sức khỏe dù với liều lượng rất nhỏ. Thuốc trừ sâu có thể làm rối loạn chức năng hoóc môn, giảm khả năng sinh sản của nam giới, gây dị tật bẩm sinh, làm chậm quá trình tăng trưởng, gây sẩy thai…

Bài 2: Hạn chế thuốc trừ sâu - xu hướng tất yếu ảnh 1

Nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và sức khỏe người dân là xu hướng tất yếu

Những nghiên cứu gần đây còn chỉ ra những nguy cơ khác của dư lượng chất bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người. Theo một nghiên cứu của Đại học Aberdeen (Anh), việc thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu dù chỉ với một lượng nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Cụ thể, những người phơi nhiễm thuốc trừ sâu ở mức thấp có nguy cơ bị bệnh cao hơn 13% so với bình thường, còn ở những người phơi nhiễm cấp độ cao, tỷ lệ là 41%.

Các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng thuốc trừ sâu và các tác nhân gây ô nhiễm khác trong môi trường có thể gây bệnh ung thư bạch cầu cho trẻ em. Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra trên nhau thai người được hiến tặng và nhận thấy các hợp chất hóa học được sử dung làm thuốc trừ sâu thâm nhập qua nhau thai rất nhanh. Điều có nghĩa là nếu người mẹ nhiễm hợp chất hóa học dùng làm thuốc trừ sâu từ thức ăn, chúng sẽ đi qua nhau thai tới bào thai.

Còn nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Y học quốc gia (NIH) của Mỹ công bố tháng 6-2008 cho kết quả thuốc trừ sâu có thể là một yếu tố góp phần gây bệnh tiểu đường bên cạnh các yếu tố khác được biết tới lâu nay như béo phì, thiếu vận động hoặc tiền sử bệnh của gia đình.

  • Ý tưởng của Pháp

Pháp là quốc gia sử dụng thuốc trừ sâu hàng đầu châu Âu và những lo ngại về tác động của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người đã được cảnh báo từ lâu. Vì thế, việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch hơn rất được khuyến khích. Ngày 10-9-2008, Chính phủ Pháp đã có bước đi cụ thể đầu tiên theo hướng này với việc công bố chương trình mới có tên “Ecophyto 2018”.

Chương trình Ecophyto 2018 gồm hai định hướng lớn. Đầu tiên, Chính phủ Pháp sẽ cho rút dần khỏi thị trường các sản phẩm có chứa 53 chất hoạt tính nguy hiểm, trong đó 30 chất sẽ phải “biến mất” khỏi thị trường trước cuối năm 2008. Định hướng thứ hai thể theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cuối năm 2007 là “giảm 50% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong 10 năm nếu có thể”. Để thực hiện định hướng này, đầu tiên, Chính phủ Pháp sẽ tăng cường việc thu thập thông tin về các loại thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng. Từ nay tới năm 2012, Chính phủ Pháp sẽ đưa ra các chỉ số nhằm tính toán tác động và các nguy cơ của việc sử dụng thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người. Hiện Pháp vẫn chưa có những chỉ số nào như vậy nên việc đánh giá tác động của thuốc bảo vệ thực vật rất khó khăn và không chính xác.

Một nội dung khác cũng được đầu tư là chính phủ sẽ xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn và tham khảo về các cách trồng trọt “tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật”. Mục tiêu của chính phủ là hình thành một mạng lưới hơn 3.000 trang trại thí điểm. Các cách làm mới có hiệu quả sẽ được phổ biến sâu rộng tới toàn bộ các bên có liên quan như các nhà phân phối, tư vấn và người sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân là những người trực tiếp tham gia hoạt động nông nghiệp nên để giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, chương trình sẽ chú ý cập nhật thông tin cho người nông dân về các loại sâu bệnh và các biện pháp xử lý. Chương trình cũng dự kiến từ nay cho tới 2010 tiến hành cấp chứng chỉ bắt buộc về khả năng kiểm soát các thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân; nông dân sẽ phải trải qua một kỳ kiểm tra kiến thức về các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Cuối cùng, chính phủ đặt mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực phi nông nghiệp (như các không gian xanh công cộng, vườn rau quả của các hộ gia đình) vì khu vực này chiếm tới 10% lượng thuốc trừ sâu sử dụng.

Tuy nhiên, chương trình của Chính phủ Pháp không được các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đón nhận. Jean-Charles Cocquet, Tổng Giám đốc Liên minh các ngành công nghiệp bảo vệ cây trồng (UIPP) cho rằng mục tiêu giảm 50% lượng thuốc trừ sâu là “không tưởng, trừ trường hợp Pháp không phải là một quốc gia nông nghiệp và Pháp buộc phải nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp cơ bản”.

Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường của Pháp, trong đó có Phong trào vì quyền lợi và sự tôn trọng các thế hệ tương lai (MDRGF), hoan nghênh chương trình mới của chính phủ nhưng nhấn mạnh việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được đo lường bằng những chỉ số thích đáng và tin cậy. Trên thực tế, từ 2001-2005, nông dân Pháp đã giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nhưng các loại thuốc được dùng lại có cường độ mạnh hơn. MDRGF cũng lấy làm tiếc vì ngành nông nghiệp sinh học vốn là một giải pháp thay thế cho việc sử dụng thuốc trừ sâu lại không được đưa vào chương trình này.

HÀ VI (tổng hợp)

Thông tin liên quan

Nóng” chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm ở châu Âu - Bài 1: Châu Âu hạ tiêu chuẩn?

Tin cùng chuyên mục