Vấn nạn bạo hành gia đình

Bài 1: “Cũ” mà vẫn “nóng”!
Vấn nạn bạo hành gia đình

Bài 1: “Cũ” mà vẫn “nóng”!
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, vai trò của phụ nữ đã không ngừng được cải thiện. Ngày nay, số lượng và vai trò của phụ nữ trong các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ở khắp nơi trên thế giới, quyền của một bộ phận phụ nữ vẫn không được bảo vệ và “phái yếu” thường xuyên là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.

Chuyện “cũ” lặp lại

Theo Quỹ phát triển phụ nữ của LHQ (UNIFEM), cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có ít nhất một người bị đánh đập, ép buộc quan hệ tình dục hoặc bị lạm dụng trong suốt cuộc đời. Đối với phụ nữ từ 15 - 44 tuổi, bạo hành gia đình (BHGĐ) là nguyên nhân chính khiến phụ nữ tử vong, tàn tật hoặc sức khỏe suy yếu.

Một nghiên cứu khác do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện trên hơn 24.000 phụ nữ tại 11 quốc gia cho kết quả cứ 6 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của BHGĐ. Thủ phạm của những hành vi bạo lực lại chính là những người gần gũi với các nạn nhân như chồng hoặc bạn trai của họ.

Vấn nạn bạo hành gia đình ảnh 1

Nhiều phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới là nạn nhân của BHGĐ.

Tại châu Âu - nơi phụ nữ được “giải phóng” từ khá sớm, thống kê của Hội đồng châu Âu cũng chỉ ra rằng hơn 1/4 phụ nữ vẫn bị bạo hành thân thể ít nhất một lần trong đời và hơn 10% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Riêng tại Italia, báo cáo của Cơ quan Thống kê nhà nước Italia (Istat) đầu năm 2008 cảnh báo tình trạng bạo hành phụ nữ ngày càng gia tăng đến mức báo động. Năm 2007, cứ 10 phụ nữ Italia thì 3 người đã ít nhất một lần là nạn nhân của nạn bạo hành.

Nghiêm trọng hơn, trong các nạn nhân, có đến 11% phụ nữ đang mang thai. Tổng cộng, có 62 phụ nữ bị chồng giết (tăng 10% so với năm 2006), 141 vụ sát hại có chủ ý không thành (tăng 37%), 10.383 phụ nữ bị thương (tăng 32%) và 1.085 vụ xâm hại tình dục (tăng 16%).

Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật (CDC) trích kết quả một cuộc điều tra được thực hiện trên 70.000 người ở 16 bang và 2 vùng lãnh thổ (Puerto Rico và Virgin Islands) cho biết khoảng 1/4 phụ nữ Mỹ là nạn nhân của BHGĐ. Và trái với quan niệm của khá nhiều người, đàn ông cũng là nạn nhân của vấn nạn này. Theo CDC, 23,6% phụ nữ và 11,5% nam giới là nạn nhân của BHGĐ ít nhất một vài lần trong đời. Mỗi năm, khoảng 1.200 phụ nữ bị giết hại và khoảng 2 triệu phụ nữ bị thương trong các vụ BHGĐ.

Theo một báo cáo của Tổ chức Womankind Worldwide của Anh thực hiện tại Afghanistan, nạn bạo hành ảnh hưởng tới 80% phụ nữ Afghanistan; hơn 60% các vụ hôn nhân là do ép buộc và hơn 50% phụ nữ lên xe hoa trước tuổi 16.

Còn tại Thái Lan, Trung tâm Chấm dứt khủng hoảng (OSCC) thuộc Bộ Y tế công cộng cho biết trong số hơn 19.000 trường hợp xâm hại nhằm vào phụ nữ và trẻ em năm 2007, 80% liên quan đến BHGĐ. Mặc dù vậy, OSCC cho rằng con số trên chưa phản ánh được tình hình thực tế của nạn bạo hành nhằm vào phụ nữ Thái Lan vì số nạn nhân thực sự còn có thể lớn hơn rất nhiều.

Như sống trong thời chiến

Dựa trên cuộc điều tra được thực hiện trên hơn 24.000 phụ nữ tại 11 quốc gia, WHO chia BHGĐ thành 3 dạng chính: Bạo lực thân thể, bạo lực tình dục và bạo lực tâm lý. Các hành vi bạo lực thân thể có mức độ nặng nhẹ khác nhau: Từ tát tai hoặc ném đồ vật có thể gây thương tích; xô đẩy; đấm hoặc đánh bằng vật có thể gây thương tích; đá, kéo ngã hoặc đánh đập; đe dọa gây tổn thương hoặc gây tổn thương bằng súng, dao hoặc một vũ khí khác…

Về bạo lực tình dục, WHO phân loại thành 3 hành vi chính: Dùng sức mạnh ép phụ nữ phải quan hệ tình dục; phụ nữ quan hệ tình dục vì sợ những gì chồng hoặc bạn trai mình có thể gây ra nếu không thỏa mãn họ; phụ nữ bị buộc phải quan hệ tình dục dù họ coi đó là hành động hạ mình hoặc bị sỉ nhục. Đáng tiếc là có từ 30% - 56% phụ nữ là nạn nhân của nạn BHGĐ cho biết họ phải chịu đồng thời cả hai hình thức bạo lực thân thể và bạo lực tình dục.

Về bạo lực tâm lý, một số hành vi phổ biến được nói tới gồm: Chửi rủa hoặc đổ lỗi; nhục mạ hoặc hạ thấp trước mặt người khác; đe dọa hoặc làm đối phương sợ (chẳng hạn bằng cách la hét hoặc đập vỡ đồ vật); đe dọa (trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách đe dọa gây tổn thương một người thân của nạn nhân).

Thường thì một phụ nữ khi đã là nạn nhân của những hành vi bạo hành ở mức độ nhẹ, có nhiều nguy cơ phải chịu những hành vi nghiêm trọng hơn về sau này. Và các hành vi bạo hành không diễn ra đơn lẻ mà thường có hệ thống, lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Những phụ nữ trẻ, đặc biệt là từ 15-19 tuổi có nguy cơ nhiều hơn bị bạo hành về thân thể và tình dục hoặc đồng thời cả hai. Tùy mỗi quốc gia, từ 20% - 75% phụ nữ là nạn nhân của bạo hành tinh thần - vốn bị coi là nguy hại hơn nhiều so với bạo lực thân thể.

Rita Smith, Giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia chống bạo hành gia đình - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ - cho rằng việc phải chịu đựng các hành vi BHGĐ nguy hiểm không kém gì việc họ phải sống ở khu vực… chiến tranh! Sở dĩ như vậy là vì môi trường nguy hiểm và đầy sức ép có tác hại tiêu cực đối với sức khỏe cả trước mắt lẫn lâu dài.

Chẳng hạn, một nghiên cứu của Đại học Auckland trên 3.000 phụ nữ New Zealand từ 18-64 tuổi cho thấy ít nhất 10% phụ nữ mang bầu ở nước này là nạn nhân của BHGĐ. Còn ở quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao như Swaziland (33,4% ở người ở độ tuổi từ 15 - 49 nhiễm HIV/AIDS), xâm hại tình dục cũng đồng nghĩa với bệnh dịch lây lan bởi những kẻ xâm hại thường không sử dụng phương tiện tránh thai. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố tháng 4-2008, có tới 1/3 phụ nữ Swaziland bị xâm phạm tình dục trong thời thơ ấu.

>> Bài 2: Cần thêm nhiều nỗ lực

QUANG HƯNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục