Vấn nạn bạo hành gia đình. Bài 2: Cần thêm nhiều nỗ lực

Tùy vào hoàn cảnh văn hóa - xã hội của mình, mỗi quốc gia có cách làm riêng nhằm đảm bảo bình đẳng giới và chống bạo hành gia đình (BHGĐ). Trọng tâm những nỗ lực chống BHGĐ của các nước là tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường răn đe. Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng thế giới vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ vấn nạn này.

  • Tạo nhận thức mới
 

Thực tế cho thấy nạn nhân của BHGĐ chủ yếu là phụ nữ thuộc mọi tầng lớp với thu nhập và trình độ khác nhau nhưng xảy ra nhiều nhất là trong số người nghèo và những người có trình độ dân trí thấp. Ở nhiều quốc gia, sự bất bình đẳng giới là nguồn gốc của nạn BHGĐ.

Đặc biệt, ở các xã hội mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” chiếm ưu thế, người chồng tự cho mình quyền được đối xử không công bằng với vợ, còn người vợ một phần vì đã quen và một phần không ý thức được quyền của mình nên cứ tiếp tục chịu đựng. WHO cho rằng cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của mình để họ dám đứng lên tố cáo các hành vi BHGĐ và để những người có hành vi BHGĐ hiểu rằng hành động của họ là vi phạm pháp luật và có thể bị trừng phạt.

Tại Trung Quốc, từ năm 2005 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Trung Quốc đã phối hợp cùng Bộ Công an và một số ban ngành liên quan thành lập 12.000 trung tâm chống BHGĐ. Các trung tâm này tiếp nhận và xử lý các cuộc điện thoại liên quan tới nạn BHGĐ (khoảng 40.000-50.000 cuộc điện thoại/năm). Ngoài ra, có trên 27.000 tổ chức xã hội và 400 địa điểm cư trú tại các địa phương trên toàn quốc sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ pháp lý và các dịch vụ khác cho phụ nữ.

Những cách làm hay ở một số quốc gia khác cũng mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, các công ty trong lĩnh vực dệt may ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dán dòng chữ “Chấm dứt bạo lực nhằm vào phụ nữ” ở phía trong các bộ áo veste mà họ sản xuất. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phát hành các cuốn sách về lĩnh vực chống BHGĐ dành cho tân binh khi họ thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Một số nhà sản xuất bánh mì ở Đức đã in lên các túi đựng bánh các khẩu hiệu chống bạo lực nhằm vào phụ nữ. Tại Anh, chiến dịch White Ribbon kêu gọi 4 câu lạc bộ bóng đá phân phát các dải ruban trắng và in một nửa trang quảng cáo trên tờ lịch thi đấu của các đội bóng. Tại Bỉ, chính phủ trao giải cho cơ quan truyền thông có nhiều sáng kiến giúp giảm thiểu các hành vi BHGĐ. Hiện các nhà chức trách Bỉ cũng đang soạn thảo một “quy tắc ứng xử” trong lĩnh vực này.

  • Đẩy mạnh răn đe, tăng cường bảo vệ

Một biện pháp khác giúp ngăn ngừa nạn BHGĐ là tăng cường các biện pháp răn đe, trừng phạt những kẻ có hành vi BHGĐ. Tây Ban Nha và Anh là hai trong số không nhiều quốc gia đã thiết lập các tòa án đặc biệt chuyên xử các vụ án liên quan đến BHGĐ. Tại Anh, các tòa án đặc biệt này được thành lập nhằm đảm bảo rằng những kẻ có hành vi BHGĐ sẽ bị trừng phạt trong thời hạn nhanh nhất.

Để hỗ trợ, cảnh sát Anh được trao quyền bắt giữ thủ phạm dù người đó chỉ mới thực hiện một hành động xâm hại đơn giản nhất. Chính quyền cũng thực hiện một chiến dịch thông tin để phát đi thông điệp đến nam giới ở Anh rằng các hành vi BHGĐ sẽ bị trừng phạt bất chấp thái độ của nạn nhân có thế nào.

Còn tại Tây Ban Nha, mục đích chính của các tòa án đặc biệt mới được thành lập là chuyển tất cả các vụ án hình sự cũng như dân sự liên quan đến BHGĐ cho một quan tòa chuyên trách. Các tòa án này thẩm cứu và ra án phạt đối với tất các loại và mức độ BHGĐ - bao gồm cả các tội danh thuộc Luật Hình sự. Đây cũng là các tòa án duy nhất có quyền hạn đối với tất cả các vấn đề liên quan đến quyền của gia đình như ly thân, ly hôn, quyền nuôi con, thăm nom… Từ khi có các tòa án đặc biệt, các vụ việc dân sự phải được chuyển sang cho các tòa án này ngay khi xuất hiện bằng chứng về BHGĐ.

Để ngăn chặn các hành vi BHGĐ tiếp tục được thực hiện sau khi thủ phạm bị tố cáo, chính quyền Hà Lan đưa ra biện pháp mới: Cấm kẻ có hành vi BHGĐ được về chỗ ở của gia đình trong vòng 10 ngày. Biện pháp này được coi là một phương tiện hỗ trợ cảnh sát trong trường hợp kẻ có hành vi BHGĐ đe dọa tiến hành bạo lực nhưng cảnh sát không có bằng chứng và khi nạn nhân không muốn tố cáo.

Tại Áo, cảnh sát được huấn luyện để trục xuất những kẻ thực hiện các hành vi bạo lực ra khỏi nơi ở. Còn ở Slovenia, nhân viên các bệnh viện được đào tạo để phát hiện hành vi bạo lực gia đình. Cũng để bảo vệ các nạn nhân của nạn BHGĐ, nhiều quốc gia đã tăng khả năng đón tiếp và lập thêm nhiều trung tâm cư trú cho nạn nhân của nạn BHGĐ, trong đó phải kể tới các nước như Đan Mạch, Ireland, Bulgaria, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary… Hiện tại, Luxembourg, Na Uy và Hà Lan là những quốc gia đứng đầu châu Âu về tỷ lệ chỗ tiếp nhận nạn nhân bị BHGĐ (tỷ lệ tính trên 1.000 dân của 3 nước lần lượt là 3,42, 1,63 và 1,50).

Tuy nhiên, trên thế giới, còn nhiều quốc gia chưa coi BHGĐ là một tội phạm mà chỉ là vấn đề xã hội; nhiều quốc gia chưa có các đường dây điện thoại miễn phí hỗ trợ nạn nhân của BHGĐ…

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh công tác tuyên truyền, các biện pháp ngăn ngừa và bảo vệ các nạn nhân của nạn BHGĐ, cuộc chiến chống BHGĐ chỉ thực sự hiệu quả khi các quốc gia có các giải pháp nhằm cải thiện vị thế của người phụ nữ trước pháp luật, nâng cao điều kiện kinh tế - xã hội của họ; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế đã phê chuẩn.

QUANG HƯNG (tổng hợp)

Bài liên quan:

- Bài 1: “Cũ” mà vẫn “nóng”!

Tin cùng chuyên mục