Chiến tranh Việt Nam - Cuộc so găng quyết liệt trên mặt trận tình báo

Bài 5: Hệ thống vô tuyến tuyệt mật

Sự kiện “Mậu Thân thứ hai” tại Quảng Trị
Bài 5: Hệ thống vô tuyến tuyệt mật

Trong khi Westmoreland không bao giờ tin quân đội miền Bắc Việt Nam vượt quá 298.000 người, thông tin Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) cho biết lực lượng này có thể lên đến 420.000-431.000 người. Sự khác biệt trong đánh giá thực lực đối phương khiến Giám đốc CIA Richard Helms từng nổi cáu và phái phân tích viên CIA, NSA lẫn Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) sang Sài Gòn để làm việc với Westmoreland.

Sự kiện “Mậu Thân thứ hai” tại Quảng Trị

Trong cùng thời gian, NSA cũng nhận được thông tin về sự chuyển quân số lượng lớn của bộ đội miền Bắc Việt Nam với khả năng tổ chức một cuộc tổng tấn công. Ngày 17-1-1968, NSA tung ra báo cáo về khả năng tấn công của miền Bắc Việt Nam tại loạt thành phố lớn ở miền Trung và Đông Nam bộ.

Dù được thông báo có tảng băng to trước mặt nhưng Westmoreland vẫn cho tàu tiến tới, với niềm tin rằng con tàu khổng lồ của mình không thể bị đánh chìm. Hậu quả, “cộng quân” đã tiến vào Sài Gòn, trong chiến dịch Mậu Thân, làm thiệt mạng ít nhất 4.000 lính Mỹ.

Bài 5: Hệ thống vô tuyến tuyệt mật ảnh 1

Ngày 27-1-1973, 15 phút trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, tàu USS Turner Joy lặng lẽ rút khỏi Việt Nam

Cần nói thêm, ở thời điểm đó, lực lượng NSA tại Nam Việt Nam đã lên đến 95.000 người (!), gấp 5 lần cơ số CIA (chưa kể khoảng 10.000 nhân viên NSA khắp Đông Nam Á).

Đầu năm 1972, NSA tiến hành chiến dịch Explorer với hệ thống hầm ngầm tại sát khu vực phi quân sự (DMZ). Một trong những hầm ngầm như vậy, mật danh A-4, đặt tại vùng núi gần Cồn Tiên (Quảng Trị).

A-4 là trạm nghe lén nằm sát khu vực kiểm soát miền Bắc Việt Nam nhất của NSA. Boongke ngầm của nó chứa 7 nhân viên (5 người làm việc, 2 người ngủ; tiếp đó đổi ca). Tháng 3-1972, Quảng Trị trở thành chiến trường đỏ lửa.

Trận mưa đạn cối 122 ly của lính miền Bắc Việt Nam liên tục dội xuống khu vực. Một trong những quả pháo như vậy đã phóng trúng A-4, làm chết tức thì hai nhân viên NSA và boongke A-4 trở thành lò thiêu khi nó cháy liên tục trong nhiều ngày.

Tất cả nhân viên NSA liên quan chiến dịch Explorer được lệnh tiêu hủy thiết bị, đặc biệt các đĩa nhiệt nhôm chứa dữ liệu (mà muốn hủy, phải dùng nhiệt điện nung cháy ở 19.400oC). Vài ngày sau sự kiện “Mậu Thân thứ hai” tại Quảng Trị, NSA đã xóa sạch dấu vết. 7g45 sáng 27-1-1973, 15 phút trước khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, tàu USS Turner Joy lặng lẽ rút khỏi Việt Nam. Với NSA, cuộc chiến đã kết thúc và Mỹ đã thua.

CIA tăng cường chiến dịch đột nhập

Trong phiên họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 29-4-1961, Tổng thống John F. Kennedy đã chuẩn y việc Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) hỗ trợ lực lượng quân báo Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Thời điểm đó, sự chia sẻ thông tin tình báo với nước ngoài còn là điều bất thường đối với ngành an ninh-tình báo Mỹ.

Phó đô đốc Lawrence H. Frost - giám đốc NSA - đã ra lệnh Cục An ninh quân đội (ASA) lập tức triển khai kế hoạch. Vài tuần sau, Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA lên đường sang Nam Việt Nam. Ngày 13-5-1961, những đôi giày bóng lộn của 93 sĩ quan quân báo Mỹ đã bước ra khỏi chiếc C-130 đỗ tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Xác định vị trí tình nghi đóng quân của du kích Việt Nam là một trong những nhiệm vụ của Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA. Ngoài ra, còn có chiến dịch White Birch gồm nghe lén và chiến dịch thứ ba - Sabertooth - gồm huấn luyện quân báo VNCH kỹ thuật gián điệp hậu tuyến cũng như giải mã.

Căn cứ Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA (còn gọi là Đơn vị nghiên cứu vô tuyến thứ ba) nằm  trong một nhà chứa máy bay cũ tại Tân Sơn Nhất, nóng hầm hập và ngột ngạt (trong khi đó, sếp Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA được “bố trí” ở tại khách sạn Majestic).

Trong 7 tháng, lực lượng quân báo Mỹ tại Nam Việt Nam tăng hơn gấp đôi. Đến tháng 12-1961, lực lượng này đã lên đến 236 người, nằm rải rác tại 18 vị trí nghe lén, trong đó có điểm nghe lén và bắt tín hiệu quân báo miền Bắc Việt Nam đặt tại Phú Bài, gần khu vực phi quân sự (DMZ).

Công việc của quân báo Mỹ nguy hiểm không kém lính tác chiến, đặc biệt tại một chiến trường mà lính Mỹ “bị đột kích nhiều hơn mặt đối mặt kẻ thù” - như miêu tả của chính John F. Kennedy.

Trong số sĩ quan quân báo thuộc Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA, có James T. Davis. Nhóm Davis được phân công truy tìm du kích tại vùng ven Sài Gòn. Muốn như vậy, James T. Davis phải ra sát khu vực tình nghi để bắt sóng liên lạc du kích.

Ngày kia, cùng toán lính VNCH, James T. Davis mang theo thiết bị PRC-10 để bắt tín hiệu sóng ngắn. Ba ngày trước Giáng sinh 1961, James T. Davis lại lên chiếc jeep cùng toán lính bảo vệ VNCH phóng về phía Tây Sài Gòn. Khi cách căn cứ khoảng 15km, nhóm James T. Davis bị tấn công. Cầm khẩu carbine M-1, James T. Davis bóp cò. Tuy nhiên, họ đã bị vây kín. Sau vài phút, 9 tay súng VNCH bị thiệt mạng.

Một viên AK-47 bắn trúng đầu Davis từ phía sau. Davis đổ gục, trở thành sĩ quan quân báo Mỹ đầu tiên chết tại chiến trường Việt Nam (hai tuần sau, Đơn vị nghiên cứu vô tuyến thứ ba đổi tên thành Trạm Davis và thậm chí một doanh trại NSA tại Mỹ cũng lấy tên này).

Tại Washington, Kennedy quyết định Mỹ hóa cuộc chiến Việt Nam, yêu cầu CIA tăng cường chiến dịch đột nhập phía bên kia DMZ. Một đêm tối, quân báo VNCH nhảy dù vào chiến tuyến thuộc kiểm soát Bắc Việt và được đón chào bằng loạt súng liên thanh.

Cuối cùng, cho đến khi từ giã Nhà Trắng đột ngột bởi bị ám sát, John F. Kennedy vẫn không hài lòng kết quả cụ thể nào của quân báo Mỹ tại chiến trường Việt Nam…

Bài 6: Trụ sở bí mật của IBM tại trung tâm Sài Gòn

Phúc Cẩm

Thông tin liên quan

 Bài 4: Chiến dịch mang mật danh Arc Light

Tin cùng chuyên mục