Chiến tranh Việt Nam - Cuộc so găng quyết liệt trên mặt trận tình báo

Bài 4: Chiến dịch mang mật danh Arc Light

Bài 4: Chiến dịch mang mật danh Arc Light

Ngày 18-6-1965, trên đường băng căn cứ không quân Guam, 27 chiếc pháo đài bay B-52 đậu nối đuôi nhau. Quang cảnh trông lạnh tóc gáy. Chúng chuẩn bị lên đường, cho chiến dịch mang mật danh Arc Light với loạt mục tiêu là căn cứ tại Việt Nam…

Đột nhập hệ thống mã khóa NSA…

Bài 4: Chiến dịch mang mật danh Arc Light ảnh 1
Chuyên gia NSA tại Sài Gòn

Không lâu sau sự kiện vịnh Bắc bộ (tháng 8-1964), một tàu đánh cá Liên Xô tên Izmeritel xuất hiện ngoài khơi Apra (cảng chính của Guam). Chẳng ngư dân nào trong vùng biết rằng Izmeritel được trang bị thiết bị bắt sóng, tại một vùng mà Guam đã trở thành một trong những trung tâm liên lạc chủ yếu của hải quân Mỹ ở Đông Nam Á và là bãi phóng của B-52 vào Việt Nam.

Không lâu sau khi chiến dịch Arc Light tiến hành, bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Guam bắt đầu nhận ra rằng nhiều đợt oanh tạc B-52 đã mất tính bất ngờ và phải mất hơn một năm họ mới hiểu tại sao. Hóa ra hầu hết thông tin liên quan Arc Light đã bị Izmeritel bắt được và thậm chí xác định số hiệu máy bay B-52 để cung cấp cho quân báo miền Bắc Việt Nam.

Rõ ràng, quân báo Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến mật mã, theo cùng cách như Đức-Nhật thất bại trong Thế chiến thứ hai. Với trợ giúp của tình báo Liên Xô, quân báo miền Bắc Việt Nam đã đột nhập thành công vào hệ thống mã khóa an toàn nhất của Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), “hốt” được vô số thông tin như trước kia NSA từng phá được bộ mã Enigma của Đức và Purple của Nhật trong Thế chiến thứ hai.

Ngay từ những ngày đầu cuộc chiến, tướng lĩnh Mỹ đều tin tưởng tuyệt đối về thế mạnh trên chân của kỹ thuật quân sự mình. Họ tin rằng lực lượng quân sự miền Bắc Việt Nam và du kích “tầm vông vạt nhọn” không bao giờ có thể hiểu mô tê gì về hệ thống mật mã phức tạp của NSA…

Ngày 8-3-1965, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng - lực lượng quân bộ chính thức đầu tiên được đưa vào chiến trường Việt Nam (đến cuối năm, số lính Mỹ tại Việt Nam đã tăng lên gần 200.000 người). Sau thời gian ngắn im lặng, quân đội Việt Nam lại tổ chức tấn công dữ dội khắp Nam Việt Nam từ ngày 11-5-1965. Hơn 1.000 quân đội Việt Nam đã tràn vào Sông Bé từ ngả Campuchia.

Để “khóa cửa” Campuchia, NSA quyết định đưa tàu USS Oxford sang Việt Nam, trở thành chiếc tàu quân báo đầu tiên bước vào chiến trường Việt Nam. Tất cả chi tiết liên quan việc đưa USS Oxford sang Việt Nam đều là thông tin tuyệt mật.

Thử xem một chi tiết nhỏ để thấy việc NSA nỗ lực giấu hành tung USS Oxford như thế nào. Đó là chuyến công tác được chỉ định của sĩ quan quân báo John De Chene. Từ California, Chene đến vịnh Subic (Philippines). Khi đến đây, Chene được thông báo USS Oxford thật ra ở Yokosuka (Nhật). Chene lại đáp máy bay sang Yokosuka. Tại đó, Chene được báo USS Oxford đang neo tại Sài Gòn. Đến Sài Gòn, nghe nói USS Oxford ở Subic, Chene lại trở sang Philippines. Đến lúc đó, nhóm Chene được thông báo đến cảng Sasebo (Nhật). Lần này, quả thật USS Oxford đậu ở Sasebo (!)…

USS Oxford bắt đầu “làm việc”

Sau khi nhận đủ quân số, USS Oxford khởi hành đến khu vực Phú Quốc và bắt đầu “làm việc”. Ít lâu sau, NSA phái thêm tàu quân báo USS Jamestown (còn được gọi là Jimmy-T), lảng vảng ở biển Đông, gần châu thổ Cửu Long. Trang bị cho USS Oxford lẫn USS Jamestown là máy bắt sóng đa kênh KG-14 siêu mạnh cùng đội ngũ nhân viên NSA rành tiếng Thái, Miên, Tàu, Nga, Việt và thậm chí ngôn ngữ Tagalog (tiếng bản ngữ Philippines).

Một trong những sứ mạng quan trọng của USS Oxford là nghe lén Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Manila (gồm Australia, Nam Hàn, Philippines, New Zealand, VNCH, Thái Lan và Mỹ), diễn ra từ ngày 23 đến 27-10-1966, nhờ đó có thể nắm được động thủ các bên tham gia thương lượng và thậm chí biết được - theo lời kể John De Chene - về âm mưu ám sát Tổng thống Lyndon B. Johnson, Tổng thống Ferdinand Marcos và Nguyễn Cao Kỳ.

Cuối năm 1967, NSA đã đặt Việt Nam dưới ống kính hiển vi khổng lồ của mình. Các chuyên gia tình báo tín hiệu (SIGINT, viết tắt từ Signal Intelligence) của NSA thậm chí quét (scan) tất cả tờ báo ấn hành tại miền Bắc Việt Nam để hy vọng tìm vài bức ảnh chụp thiết bị truyền tin.

Về lý thuyết, gần như không tín hiệu liên lạc nào của miền Bắc Việt Nam có thể thoát khỏi hệ thống nghe lén của quân báo Mỹ, từ cột ăng-ten gắn trên chiếc xe jeep lội ruộng ở đồng bằng Cửu Long đến hệ thống bắt sóng nằm dưới bụng máy bay do thám Blackbird bay trên bầu trời Hà Nội ở độ cao 15 dặm với vận tốc gấp ba vận tốc âm thanh. Dù vậy, tất cả tín hiệu bắt trộm đều vô dụng nếu không có phân tích xác đáng và tất cả phân tích đều vô dụng nếu tướng lĩnh không đánh giá xác đáng. Điều đó đã xảy ra trong bộ máy quân sự Mỹ tại Việt Nam.

Theo nguyên tắc, khi bắt được tín hiệu liên lạc miền Bắc Việt Nam, bộ phận giải mã NSA sẽ phá mã, dịch và phân tích thành dữ liệu. Báo cáo sau đó được chuyển đến CIA và Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam (MACV, dưới chỉ huy của tướng William C. Westmoreland). Tiếp đó, nhóm phân tích MACV sẽ hệ thống hóa và ấn hành trong các tài liệu nội bộ Báo cáo cập nhật tình báo hàng tuần và Báo cáo tóm tắt tình báo hàng ngày. Tuy nhiên, MACV không tin 100% vào dữ liệu NSA, đặc biệt ở phân tích về quân số quân đội Việt Nam.
---------------------
Bài 5: Hệ thống vô tuyến tuyệt mật

Phúc Cẩm

Bài 1: Những cuộc “khảo sát” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Bài 2: CIA và đường mòn Hồ Chí Minh

Bài 3: Thảm bại tại Lào!

Tin cùng chuyên mục