Hơn 200 nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội

Sáng 7-7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” đã chính thức khai mạc.
Hơn 200 nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội

Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12

(SGGP).- Sáng 7-7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” đã chính thức khai mạc. Đây là hội nghị lớn nhất trong chuỗi hội nghị thuộc chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Moriond” được GS Trần Thanh Vân khởi xướng từ năm 1966 tại làng Moriond (Pháp).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam cùng hơn 200 nhà khoa học quốc tế tham dự. Hội nghị còn có sự tham dự của 5 giáo sư từng đoạt giải thưởng Nobel, gồm: David Jonathan Gross (Nobel vật lý năm 2004), Jean Jouzel (Nobel hòa bình năm 2007), Finn Erling Kydland (Nobel kinh tế năm 2004), Kurt Wuthrich (Nobel hóa học năm 2002), Jerome Isaac Friendman (Nobel vật lý năm 1990) và GS Ngô Bảo Châu (Huy chương Field năm 2010)...

Các nhà khoa học tham dự hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội trao đổi tại ICISE

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tâm huyết của GS Trần Thanh Vân, GS Nguyễn Văn Hiệu cùng các cộng sự để chương trình Gặp gỡ Việt Nam góp phần mang thêm hơi thở, sắc màu mới cho khoa học Việt Nam. Phó Thủ tướng nêu rõ, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường tiềm lực quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu tham dự hội nghị lần lượt thảo luận 7 chủ đề: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ; Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.

Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 năm 2016 bao gồm 12 hội nghị khoa học và 3 lớp học Vật lý chuyên đề quốc tế tại ICISE với sự tham dự của khoảng 1.661 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, cán bộ lãnh đạo... từ các nước trên thế giới và Việt Nam tham dự.

TUY PHONG

Tin cùng chuyên mục