Không nên thôi miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Không nên thôi miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Có thể nói chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm trong thời gian hơn 10 năm qua (bắt đầu từ năm 1997) là một điểm son trong các chính sách liên quan đến sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai cho đất nước.

Tân sinh viên nộp hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Tân sinh viên nộp hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Với chính sách này, ngành sư phạm trong thời gian qua đã thu nhận được một số lượng lớn sinh viên có năng lực từ khá trở lên vào học tại các trường sư phạm do điểm chuẩn đầu vào hàng năm đều rất cao.

Chính vì vậy, theo chúng tôi, việc bãi bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm và thay vào đó là chính sách “hưởng tín dụng ưu đãi” mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là một bước thụt lùi trong chính sách trồng người của đất nước.

Thật vậy, các quốc gia trên thế giới muốn phát triển một cách vững mạnh, họ phải tạo nguồn từ những công dân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ. Và muốn có được như thế thì nhà nước phải ưu tiên cho hai lĩnh vực là giáo dục và y tế. Vì vậy cùng với y tế, giáo dục phải là nơi thu nhận những cá nhân “tinh hoa” của xã hội, vì những cá nhân này phải đảm nhận vai trò cực kỳ quan trọng cho đất nước - đó là sự nghiệp trồng người, đào tạo các thế hệ tương lai.

Việc bãi bỏ chính sách miễn học phí cho những sinh viên chọn theo ngành sư phạm sẽ là một rào cản khiến cho ngành sư phạm khó có thể thu hút được những người giỏi. Từ đó, các thế hệ tương lai nói riêng và đất nước nói chung sẽ bị thiệt thòi vì không được đào tạo bởi những người thầy có phẩm chất và chuyên môn giỏi. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi đất nước có tiến nhanh hay không luôn phụ thuộc phần lớn vào nền giáo dục, mà trong đó người thầy luôn đóng vai trò trung tâm.

Do vậy, việc Bộ GD-ĐT dựa vào một số ít người học ngành sư phạm nhưng sau đó không theo nghiệp giảng dạy để đề xuất việc bãi bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là một sai lầm về tầm nhìn, bởi lợi ích mà chính sách miễn giảm học phí mang lại lớn hơn rất nhiều so với những hệ quả không mong muốn của nó.

Vả lại, cho dù sinh viên sư phạm ra trường tham gia vào những ngành nghề khác thì đó cũng không phải là một lãng phí, bởi họ vẫn đóng góp được cho đất nước trong những lĩnh vực khác với chất lượng cao (do họ được sàng lọc kỹ từ đầu vào).

Hơn nữa, việc sinh viên sư phạm ra trường không theo ngành sư phạm cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng xem vì sao họ không theo đuổi ngành học này, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp chứ không phải vì vậy mà bãi bỏ một chính sách tốt.

Theo chúng tôi, cần phải có cái nhìn rộng hơn về lợi ích của chính sách miễn giảm học phí để tiếp tục thực hiện chính sách này.

Lê Minh Tiến

Tin cùng chuyên mục