Thông tin tiếp về vụ EVN tăng giá thuê cột điện 4 - 8 lần

EVN cần làm rõ số tiền thu được từ dịch vụ này

Chiều qua 27-3, tại trụ sở Bộ TT-TT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã chủ trì cuộc làm việc với các doanh nghiệp viễn thông về vấn đề quy hoạch và sử dụng chung hạ tầng viễn thông. Tại cuộc làm việc này, một lần nữa đại diện SPT lại nêu vấn đề EVN tăng giá thuê cột điện quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông và đề nghị Bộ TT-TT xem xét vấn đề này.

Tại cuộc làm việc này có đại diện Ban Viễn thông của EVN, tuy nhiên phía EVN không có ý kiến gì. Trong khi đó, Bộ TT-TT cho biết, tháng 4 tới sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về hạ tầng mạng viễn thông, và đến thời điểm đó vấn đề này sẽ chính thức được bàn bạc, tìm cách tháo gỡ với các bên liên quan. Bộ cũng đề nghị EVN và các doanh nghiệp viễn thông sớm làm việc cụ thể với nhau để tìm phương án giải quyết hợp tình, hợp lý nhất.

Trong công văn gửi EVN, ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc SPT, trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay, với mức tăng giá của EVN, không chỉ SPT mà các doanh nghiệp khác đang thuê cột của EVN sẽ vô cùng khó khăn trong việc phát triển mạng lưới cũng như thực hiện kế hoạch kinh doanh.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, các doanh nghiệp viễn thông đều cho rằng, EVN cần nhìn nhận lại vấn đề này, chứ không thể nói là không có trách nhiệm gì về việc cho thuê treo cáp viễn thông hiện nay. Bởi tất cả đều là doanh nghiệp Nhà nước, đều có trách nhiệm với Nhà nước về vốn cũng như quá trình kinh doanh. Các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh, thì EVN cũng kinh doanh bán điện. Và ở một góc độ nào đó, tất cả đều phải có trách nhiệm xã hội, chưa nói đến việc doanh nghiệp nào cũng có những dịch vụ công ích phục vụ cộng đồng.

Có nguồn tin cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đã chính thức “cầu cứu” Bộ TT-TT và Bộ Công thương (chủ quản EVN) xem xét vấn đề này, sau khi các cuộc đàm phán với EVN đều thất bại.

Tối qua 27-3, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Thanh Lâm - Trưởng ban Viễn thông của EVN khẳng định: EVN cũng có trách nhiệm với Nhà nước về tài sản được giao và cụ thể ở đây là hệ thống cột điện, nên không thể để mặc doanh nghiệp viễn thông muốn treo cáp thế nào cũng được; EVN chỉ cho treo cáp khi đáp ứng đủ kỹ thuật và sự an toàn cần thiết cho cột điện; mức giá mà EVN đưa ra là có tính đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông và rẻ hơn nhiều nếu họ tự xây dựng cột; với những dịch vụ mang tính an ninh – quốc phòng hoặc công ích xã hội thì EVN miễn phí, không thu tiền; mặt khác, mức giá này là EVN tính cho 1 sợi cáp thông tin, còn với cáp thuê bao đến từng nhà dân thì cứ 10 sợi cáp thuê bao mới tính giá bằng 1 sợi cáp thông tin (một sợi cáp thông tin có thể có rất nhiều sợi cáp thuê bao ở trong).

Ông Lâm cũng cho biết, không phải doanh nghiệp viễn thông nào cũng ký hợp đồng treo cáp với EVN một cách đầy đủ. Chẳng hạn như FPT chỉ ký lẻ tẻ hợp đồng treo cáp ở vài nơi, trong khi đó lại tiến hành treo cáp theo kiểu đánh du kích khắp nơi.

“Có khi xảy ra sự cố điện, cần phải hạ cáp để sửa chữa điện hoặc thay cột điện, gọi mãi không có doanh nghiệp nào đến nhận cáp. EVN bắt buộc phải cắt cáp và khi đó thì doanh nghiệp mới chịu tới nhận cáp của mình để khắc phục. Thậm chí là có doanh nghiệp còn khiếu nại EVN vì sao cắt...” – ông Lâm nói. 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu EVN áp dụng bài toán lãi suất hàng tháng để định giá thuê treo cáp viễn thông trên các loại cột điện, thì sau vài năm, chỉ riêng tiền cho thuê treo cáp đã đủ chi phí xây dựng cột. Vậy số tiền thu tiếp những năm tiếp theo sẽ được tính vào đâu? Ngoài ra, EVN sử dụng số tiền vào đó mục đích gì, bởi đây cũng là số tiền không nhỏ mà EVN thu được “ngoài” việc kinh doanh điện trực tiếp. Đó là vấn đề mà EVN cần làm rõ khi đề ra mức giá tăng giá từ 4 - 8 lần và đang bị các doanh nghiệp viễn thông phản ứng quyết liệt.

TRẦN BÌNH

Thông tin liên quan

 - Độc quyền cột điện - EVN điều chỉnh giá treo cáp gấp 4 - 8 lần

Tin cùng chuyên mục