10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2012

Năm 2012 là năm nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều biến động, từ những biến động trong lãi suất ngân hàng, độc quyền vàng miếng... đến những nỗ lực của chính phủ trong kiềm chế lạm phát, giá cả... Sau đây là 10 sự kiện kinh tế tiêu biểu theo bình chọn của Báo SGGP.
10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2012

Năm 2012 là năm nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều biến động, từ những biến động trong lãi suất ngân hàng, độc quyền vàng miếng... đến những nỗ lực của chính phủ trong kiềm chế lạm phát, giá cả... Sau đây là 10 sự kiện kinh tế tiêu biểu theo bình chọn của Báo SGGP.

1- Khánh thành thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 23-12, thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã chính thức khánh thành tại thị trấn Mường La, tỉnh Sơn La, với công suất lắp đặt 2.400MW (gồm 6 tổ máy), cung cấp hơn 10 tỷ kWh/năm, bằng gần 10% tổng sản lượng điện tiêu thụ của năm 2012, vận hành sớm hơn 3 năm so với kế hoạch đã làm lợi 45.000 tỷ đồng; đồng thời hàng năm, nộp cho ngân sách tỉnh Sơn La khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia là 26.300MW, sản lượng điện năm 2012 ước đạt 120 tỷ kWh.

Thủy điện Sơn La vừa được khánh thành.

Thủy điện Sơn La vừa được khánh thành.

2- Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD

Bất chấp kinh tế khó khăn, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2012 của cả nước đạt khoảng 114,6 tỷ USD; tăng 18,3% so với năm 2011. Năm 2012, Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD. Đây cũng là năm đầu tiên VN xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu đạt 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.

3- CPI được kiềm chế ở mức 6,81%

Trong năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế ở mức 6,81%. Nhưng năm 2012, CPI có nhiều biến động bất thường: CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1% vào tháng 1 và tăng 1,37% vào tháng 2), nhưng lại tăng rất cao trong tháng 9, với mức tăng 2,2%. Theo đó, CPI không giảm vào sau Tết Nhâm Thìn 2012 như những năm trước đó, mà lại giảm vào hai tháng giữa năm là tháng 6 và tháng 7. Với mức tăng 6,81%, CPI năm 2012 xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% năm 2010 và mức tăng 18,13% năm 2011.

4- Tín dụng tăng trưởng thấp nhất 20 năm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng 4,85% trong 11 tháng đầu năm và ước tăng 5% - 5,5% trong cả năm 2012. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1992, mức tăng trưởng tín dụng ở một chữ số. So với mức trung bình của 10 năm trở lại đây (đạt 28%), thì tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ bằng 15%.

5- Độc quyền sản xuất vàng miếng

 Trong năm 2012, NHNN đã áp dụng chính sách độc quyền vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng quốc gia để dần chuyển sang thương hiệu SBV của NHNN. Hiện Công ty SJC là đơn vị duy nhất được phép dập, gia công vàng miếng. Chính việc độc quyền này nên vàng mang thương hiệu độc quyền SJC luôn cao hơn vàng các thương hiệu khác trên dưới 3 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng SJC trong nước so với thế giới đang ngày kéo càng xa. Những ngày cuối năm, giá vàng SJC trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới lên đến 5 triệu đồng/lượng. Cũng trong năm 2012, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải dừng hoàn toàn huy động vàng và không được trả lãi đối với dịch vụ giữ hộ vàng.

6- Biến cố về nhân sự và vi phạm trong ngành ngân hàng

Trong năm 2012, ngành ngân hàng chứng kiến 2 vụ đổi chủ tại Sacombank và TienPhongBank.
Rúng động thị trường năm 2012 là vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro của Ngân hàng VietinBank chi nhánh Nhà Bè, cùng đồng phạm. Vụ án đã kết thúc điều tra với 17 bị can bị khởi tố. Tiếp đến là vụ nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang của ACB bị khởi tố do cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

7- Ổn định tỷ giá USD/VND

Trong năm 2012, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng trong năm 2012 vẫn giữ được ở mốc 20.828 VND/USD, tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng ổn định, không có biến động lớn. Năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam mới có được quy mô dự trữ ngoại hối tiếp cận tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đáp ứng được khoảng 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế, giúp cán cân thương mại của Việt Nam thăng bằng, góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư và dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh trở lại.

8- Giải cứu bất động sản

Lần đầu tiên nợ xấu bất động sản được công bố chính thức, khoảng 150.000 tỷ đồng, được xem là “cục máu đông”, nợ xấu của nền kinh tế. Những ngày cuối năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã làm việc với Hà Nội và TPHCM để tìm giải pháp “tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản gắn với xử lý nợ xấu”. Chính phủ thống nhất sẽ ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, trong đó có bất động sản với hàng loạt “cởi trói” về thuế, lãi suất, bơm vốn mua nhà…

9- Thị trường chứng khoán chịu nhiều cú sốc

Thị trường chứng khoán trong năm 2012 liên tục chịu các cú sốc liên quan đến tiêu cực và thay đổi nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng; nhiều DN niêm yết biến mất bởi sáp nhập, giải thể. Hiện nhiều công ty chứng khoán chỉ còn tồn tại cái tên vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa 11 công ty chứng khoán (CTCK) và 3 công ty quản lý quỹ vào diện kiểm soát đặc biệt cùng 3 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát; đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 CTCK (CTCK Hà Nội, Trường Sơn, SME, Đông Dương).

10- Không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP

Tăng trưởng GDP của cả nước năm 2012 chỉ dừng ở con số 5,03% và không đạt được mức 5,2% như dự báo trước đó. Trong đó, khu vực dịch vụ dẫn đầu mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, với mức tăng 7,42%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm.

Ban Kinh tế

Tin cùng chuyên mục