Sổ tay: Băn khoăn vốn ngoại

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI và các biện pháp thúc đẩy giải ngân các dự án FDI tại Việt Nam nhưng chỉ dựa vào số liệu vốn đăng ký, kể cả căn cứ vào số vốn giải ngân, vẫn chưa thật sự chính xác. Đó là một trong những nhận định quan trọng trong báo cáo về vấn đề này do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện.

Theo thông tin từ VAFIE, trong tổng số vốn thực hiện tại Việt Nam, thường có khoảng 20% vốn trong nước và 80% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, hệ thống thống kê của Việt Nam chưa bóc tách riêng số vốn thực sự được đưa từ nước ngoài vào trong nước. Đây là vấn đề đã từng được nhiều nhà kinh tế nêu ra trước đây, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi.

Ngoài ra, do phương pháp thống kê FDI của Việt Nam khác với thông lệ quốc tế, nên số liệu về FDI không thống nhất với con số của các tổ chức quốc tế. Đơn cử như theo Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), vốn FDI thực hiện tại Việt Nam tính đến cuối năm 2009 là 44 tỷ USD. Trong khi, theo niên giám thống kê của Việt Nam, tính đến cùng thời điểm, con số đó là 67 tỷ USD. Trừ đi khoảng 20% vốn trong nước, vẫn còn tới 54 tỷ USD, tức cao hơn số liệu của UNCTAD tới 10 tỷ USD.

Tổng hợp số liệu từ 450 phiếu điều tra của VAFIE gửi đến các nhà đầu tư, tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn đăng ký đạt 40%, thấp hơn 6,8% so với báo cáo thống kê. Vẫn theo VAFIE, các báo cáo về FDI chỉ dựa trên tư liệu của một số địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất để suy diễn tình hình cả nước, do vậy thiếu tính thực tế và khoa học, không thể đánh giá đúng thực trạng FDI.

Trên thực tế, như chính lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có lần thừa nhận, từ khi phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương, Cục Đầu tư nước ngoài không còn nắm được chính xác, kịp thời số liệu tình hình FDI cả nước. Không cập nhật số vốn đăng ký lại càng không có số vốn thực hiện trong từng thời kỳ của cả nước, phân theo ngành kinh tế, nước và vùng lãnh thổ. Chẳng thế, cơ quan này trong năm qua đã phải có văn bản chấn chỉnh công tác báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài (Thông tư số: 04/2011/TT-BKHĐT). Tiếp đó, tháng 10-2011, Bộ KH-ĐT lại tiếp tục có Văn bản số 7055/BKHĐT-ĐTNN yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo tình hình vay vốn của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Rõ ràng, việc thiếu số liệu chính xác không chỉ ảnh hưởng đến công tác thúc đẩy giải ngân vốn FDI, mà còn hạn chế hiệu quả quản lý nhà nước đối với khối doanh nghiệp FDI. VAFIE đề xuất chấn chỉnh hệ thống thông tin FDI bằng phương pháp hiện đại, thông qua Internet được nối mạng từ Trung tâm thông tin FDI của Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI, các sở kế hoạch và đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế. Nếu đề xuất này được thực hiện với những chế tài thích đáng, giới kinh doanh và các nhà quản lý có thể hình dung đúng diễn biến và xu thế thu hút FDI để có được giải pháp quản lý và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục