Chuyển nhượng dự án: Tại sao không?

Chuyển nhượng tốt hơn chuyển giao
Chuyển nhượng dự án: Tại sao không?

Trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chuyển nhượng dự án (nói nôm na là bán dự án) là một giải pháp quan trọng, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. TS Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, cùng nhóm tác giả đang công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chỉ rõ những bất cập pháp lý trong lĩnh vực này và đưa ra nhiều khuyến nghị đáng lưu ý.

Đóng tàu xuất khẩu tại Vinashin. Ảnh: CAO THĂNG

Đóng tàu xuất khẩu tại Vinashin. Ảnh: CAO THĂNG

Chuyển nhượng tốt hơn chuyển giao

Những năm vừa qua, tình trạng hàng loạt dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng không thể hoàn thành do không đủ nguồn lực, được coi là một căn bệnh kinh niên chưa được chữa trị dứt điểm. Việc chuyển nhượng dự án do các DNNN đầu tư cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau sẽ giúp quá trình tái cơ cấu thành công và mang lại hiệu quả cao cho chính các DN cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Trong hai hình thức chuyển nhượng và chuyển giao thì nên ưu tiên chuyển nhượng. Chuyển nhượng các dự án mà nhà nước không cần thiết nắm giữ sẽ tạo điều kiện xã hội hóa, huy động được nguồn lực từ bên ngoài, giảm áp lực cho DNNN nói riêng và nhà nước nói chung. Mặt khác, việc chuyển nhượng sẽ giúp đảm bảo được các nguyên tắc thị trường, công khai, công bằng, tuân thủ Luật Cạnh tranh và đặc biệt giúp đánh giá đúng giá trị của dự án tại thời điểm chuyển nhượng, tránh thất thoát ngân sách; đồng thời hạn chế khả năng tiêu cực, tư túi.

Thiếu khung pháp lý

Trên thực tế, Luật Đầu tư 2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này đã có những quy định về chuyển nhượng dự án nói chung. Theo đó, chuyển nhượng dự án bao gồm hai hình thức: chuyển nhượng dự án đầu tư đơn lẻ do một tổ chức kinh tế làm chủ đầu tư và cũng có thể là chuyển nhượng toàn bộ một doanh nghiệp (trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư nước ngoài). Một số địa phương cấp tỉnh cũng đã đưa ra các quy trình, thủ tục hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng dự án áp dụng cho địa phương mình.

Tuy nhiên, các quy định kể trên còn khá sơ sài và chú trọng nhiều hơn đối với việc chuyển nhượng dự án do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Đối với DNNN, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chỉ mới quy định việc chuyển giao DN từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mà chưa có quy định cụ thể về chuyển giao DN, dự án trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Gần đây nhất, Nghị định số 71/2013/NĐ-CP (về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) tuy đã có một mục quy định mục đích, nguyên tắc, phương thức chuyển nhượng, nhưng cũng chưa đề cập cụ thể đến hình thức chuyển nhượng dự án trong DNNN.

Có lẽ chính vì vậy mà cho đến nay chưa có số liệu hay báo cáo ghi nhận các trường hợp chuyển nhượng dự án trong khu vực DNNN; mặc dù động thái chuyển nhượng dự án ngoài khu vực DNNN (ở các thành phần kinh tế khác, nhất là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Định giá dự án: Công khai

Bên cạnh việc thiếu khung pháp lý, còn một khó khăn cơ bản là xác định giá trị của dự án. Việc định giá của dự án nói chung và DN nói riêng luôn phải đặt ra khi đàm phán, nhưng lại là gút mắc rất phức tạp, khó tháo gỡ đối với cả nhà đầu tư và DN nếu không muốn nói là yếu tố quyết định thành bại của thương vụ.

Ngay cả các nhà đầu tư sừng sỏ nhất cũng phải thừa nhận, trong bối cảnh Việt Nam, khi hầu hết các thị trường (bất động sản, ngân hàng, chứng khoán...) còn phát triển chưa đầy đủ và chưa vận hành theo đúng các quy luật của thị trường, xu thế phát triển hay suy yếu của một DN là rất khó dự đoán thì định giá DN nói chung và dự án nói riêng quả là bài toán khó. Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp, giá trị do người bán xác định thường không được người mua chấp nhận hoặc ngược lại. Thêm vào đó, Việt Nam lại chưa có những tổ chức chuyên định giá dự án, đủ uy tín làm “trọng tài” để thị trường đặt niềm tin...

Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, để quá trình chuyển nhượng dự án đạt được kết quả cao thì phải bổ sung và hoàn thiện quy định, sửa đổi, bổ sung hồ sơ các loại, ngay từ khi đăng ký dự án để các bên đều thông suốt, dễ thực hiện.

Không kém phần quan trọng, cần sớm có hướng dẫn về quy tắc xác định giá trị dự án đến thời điểm chuyển nhượng theo hướng sử dụng linh hoạt các phương pháp xác định giá trị khác nhau dựa trên ưu điểm của mỗi phương pháp và đặc thù của dự án (phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu, phương pháp hệ số P/E...). Dĩ nhiên, công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao chuyên làm công việc này cũng phải tính đến.

Ngoài ra, điều rất đáng lưu ý là trong quá trình xác định giá trị dự án cần phải chú ý đến giá trị vô hình như thương hiệu, vị trí, khả năng tăng trưởng trong tương lai. Một trong những bất cập, gây ra thất thoát lớn cho Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DNNN chính là ở khâu này.

Cuối cùng, hình thức cần được ưu tiên khi thực hiện chuyển nhượng dự án là đấu thầu công khai. Tất nhiên, khi chuyển nhượng dự án từ một DNNN này sang DNNN khác, cần tính tới yếu tố ngành nghề, lĩnh vực của DN cần chuyển nhượng để đảm bảo DNNN nhận chuyển nhượng có ngành nghề phù hợp nữa...

Không bố trí đủ vốn, hàng chục ngàn dự án dở dang

Nhiều công trình sử dụng vốn NSNN gây lãng phí, phần lớn do quy hoạch thiếu tính chiến lược (nhu cầu đến đâu phát triển đến đó). Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn nhiều bất cập, nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư, làm chậm tiến độ thực hiện; còn tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án làm vượt khả năng bố trí của nguồn vốn. Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí của 5 năm (từ năm 2007 đến hết năm 2011 – PV) chỉ đáp ứng khoảng dưới 36% số công trình, dự án đã và đang dở dang. Nhu cầu để hoàn thành 20.921 dự án đang triển khai theo tổng mức đầu tư là 512.230 tỷ đồng. Ngoài ra, có 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư, với tổng mức đầu tư 273.469 tỷ đồng nhưng đến hết năm 2011 chưa được bố trí vốn; gây lãng phí chi phí đầu tư, đầu tư thiếu đồng bộ, nhiều dự án hoàn thành vẫn chưa được khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2013

CẨM HÀ ghi

Tin cùng chuyên mục