Cà phê Việt Nam tổ chức lại sản xuất, bảo vệ quyền lợi nông dân

Sáng 10-3, tại TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức hội thảo triển vọng ngành hàng cà phê năm 2013 với chủ đề: “Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng cà phê”.
Cà phê Việt Nam tổ chức lại sản xuất, bảo vệ quyền lợi nông dân

Sáng 10-3, tại TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức hội thảo triển vọng ngành hàng cà phê năm 2013 với chủ đề: “Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng cà phê”.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết tổng diện tích cà phê của Việt Nam hiện có khoảng 600.000ha, hầu hết tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Sản lượng hàng năm từ 755.000 đến 1 triệu tấn nhân, trong đó, tiêu thụ nội địa chỉ 10%, còn lại xuất khẩu. Riêng năm 2012, cà phê nước ta xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 3,5 tỷ USD và lần đầu tiên vượt qua Brazil đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê. Cà phê trở thành ngành hàng nông sản chiến lược của Việt Nam khi đóng góp 10% GDP nông nghiệp, 5% tổng giá trị xuất khẩu, cung cấp hơn 1 triệu việc làm và tạo 50% sinh kế cho người dân Tây Nguyên.

Tuy nhiên, phần lớn nông dân trồng cà phê vẫn chưa làm giàu được từ cây cà phê. Bình quân mỗi lao động cà phê cho thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn ngành dệt may với bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng. Ngành cà phê nước ta cũng chủ động được diện tích, sản lượng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu luôn luôn bị ép giá trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: Biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm nên không đủ nước tưới cho cây cà phê. Vẫn còn khoảng 90% nông dân thu hái cà phê xanh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam. Vì thế, giá cà phê xuất khẩu của nước ta luôn thấp hơn 30 - 40 USD/tấn so với các nước khác.

Theo ông Lương Văn Tự, để phát triển cà phê Việt Nam bền vững, cần ổn định diện tích khai thác khoảng 500.000ha với sản lượng từ 1 - 1,1 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê nhân, giữ được 15% thị phần trên thị trường thế giới. Ngoài thị trường truyền thống ở các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, cần nhanh chóng mở rộng thị trường ra các nước như Trung Quốc, ASEAN để đón nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, lên mức 10% - 15% tổng sản lượng cà phê. Bên cạnh đó, cần sớm có chiến lược phát triển cho cây và ngành cà phê; tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết mới; liên kết các nhà trồng cà phê thành cụm để đầu tư chế biến cà phê ướt...

TS Misnawi Jati, Viện Nghiên cứu Cà phê - Ca cao Indonesia, cho rằng cà phê châu Á cũng như Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững. Hiện có nhiều diện tích cà phê già cỗi cần tái canh nhưng nông dân cần thu nhập nên vẫn cố giữ lại, vì tái canh cà phê mất tới 3 - 5 năm mới có thu nhập. Bởi thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần phải hỗ trợ vốn cho nông dân tái canh để giữ chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng và mở rộng diện tích cà phê có chứng nhận.

Sáng 10-3, tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và thương hiệu Việt của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV, các thí sinh tham dự “Hành trình đi tìm Đại sứ cà phê Việt Nam” đã ký tặng độc giả hâm mộ cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu” của tác giả Napoleon Hill, do First News - NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp với Trung Nguyên phát hành. Dịp này, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cũng sẽ tặng khoảng 40.000 cuốn sách này cho học sinh, sinh viên 5 tỉnh Tây Nguyên.

  • Nguyễn Lâm Diễm Trang đạt danh hiệu “Nữ hoàng cà phê”

Vượt qua 19 thí sinh đến từ khắp đất nước, Nguyễn Lâm Diễm Trang (22 tuổi, quê ở Vĩnh Long) đã đạt danh hiệu “Nữ hoàng cà phê” trong đêm chung kết cuộc thi “Đi tìm Đại sứ cà phê Việt Nam” diễn ra vào tối 10-3 tại Trường Đại học Tây Nguyên - Đắk Lắk.

Nguyễn Lâm Diễm Trang (giữa) đạt danh hiệu “Nữ hoàng cà phê”.

Nguyễn Lâm Diễm Trang (giữa) đạt danh hiệu “Nữ hoàng cà phê”.

Nguyễn Lâm Diễm Trang hiện là sinh viên năm 4 khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Quốc tế TPHCM. Trang cũng sẽ làm Đại sứ cà phê Việt Nam từ nay đến năm 2015. Thí sinh Trần Ngọc Nguyên Khánh (25 tuổi, TPHCM) đạt danh hiệu Người đẹp Passiona, còn thí sinh Nguyễn Thanh Thảo (22 tuổi, Phú Thọ) đạt danh hiệu Người đẹp sáng tạo và tài năng.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục