Tăng giá nước phải hợp lý

Tăng giá nước phải hợp lý
  • Phải lường trước mọi ảnh hưởng!

Phương án tăng giá nước lên gấp đôi của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã làm nhiều người bị sốc, đặc biệt là người dân sống ở những khu vực vùng ven, khan hiếm nước sạch như chúng tôi. Trước đây, khi giá nước sạch là 2.700 đồng/m³, chúng tôi đã phải vất vả chạy qua quận 7 mua từng can nước về dùng với giá 5.000 – 7.000 đồng/m³. Nay mức giá tăng lên 4.800 đồng/m³, không biết nước mua lại sẽ bị “đội” lên đến mức nào.

Hơn nữa trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, phương án này rõ ràng sẽ làm nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bởi lẽ, khi không kham nổi tiền để mua nước sạch, người dân nghèo chỉ còn cách chuyển qua dùng nước giếng. Tuy nhiên nguồn nước này thường bị nhiễm phèn và chứa nhiều hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cao. Nhưng thử hỏi: chúng tôi còn có cách nào khác?

Tôi được biết theo quy định của nhà nước, nếu hộ dân hay doanh nghiệp muốn khai thác nước ngầm từ 10m³/ngày trở xuống phải được UBND quận, huyện sở tại cấp phép; từ 10 – 1.000m³/ngày phải được TP cấp phép và từ 1.000m³ trở lên phải được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cấp phép.

Như vậy khi giá nước tăng cao, người dân sẽ ồ ạt chuyển sang dùng nước giếng, liệu các cơ quan chức năng có đủ thời gian và lực lượng đi kiểm tra, quản lý hết tất cả giếng khoan trên địa bàn TP? Đó là chưa kể những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm và sụt lún đất cục bộ do việc đào giếng ồ ạt gây ra.

Do đó trước khi chính thức ban hành khung giá nước mới, thiết nghĩ UBND TP nên cân nhắc và lường trước mọi ảnh hưởng, cũng như thiệt hại do quyết định này trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Xin đừng biến nước sạch thành một thứ hàng xa xỉ và hàng vạn người nghèo phải sống trong cảnh bệnh tật do sử dụng nguồn nước ngầm không đảm bảo chất lượng. Mong lắm thay!

Hoài Phương
(Đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè)

  • Định mức theo hộ: Một kiểu tăng giá?

Việc SAWACO đề nghị TP cho tăng giá nước sinh hoạt đang trở thành “nỗi ám ảnh” đối với số đông cư dân đô thị. Một tờ báo đưa tin rằng, với giá nước mới, chỉ có khoảng 700.000 – 800.000 khách hàng TP bị ảnh hưởng, là điều khó thuyết phục. Một TP hơn 8 triệu dân, sao nói chỉ có 700.000 – 800.000 người bị ảnh hưởng, và số còn lại, hơn 7 triệu người dân, chẳng lẽ đang xài nước giếng?

Người dân huyện Nhà Bè mua nước lại tại nhà một hộ dân (ảnh chụp ngày 11-11-2009). Ảnh: CAO THĂNG

Người dân huyện Nhà Bè mua nước lại tại nhà một hộ dân (ảnh chụp ngày 11-11-2009). Ảnh: CAO THĂNG

Cách tính giá nước mới đã là điều khó hiểu thì việc định mức sử dụng theo hộ lại càng khó hiểu hơn. Giả dụ vẫn định mức theo nhân khẩu, thì chi phí tiền nước theo giá mới cho một hộ gia đình sẽ tăng gần gấp đôi – một gánh nặng không nhỏ trong thời buổi khó khăn hiện nay. Nếu định mức theo hộ, chi phí tiền nước hàng tháng sẽ tăng nhiều hơn, bởi phải trả theo mức giá lũy tiến.

Theo cách định mức này, những hộ đông người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Khó càng thêm khó. Nhà bạn tôi, 14 người và mỗi tháng hiện nay sử dụng bình quân hơn 70m³ nước. Nếu định mức theo hộ, có nghĩa họ chỉ được định mức 14m³/tháng, còn lại phải theo giá lũy tiến cho 54m³. Tăng giá nước đã là gánh nặng cho người dân.

Định mức nước theo hộ, xét cho cùng, là một kiểu tăng giá “ẩn”. Những người có “hộ” thì được định mức, còn người không “hộ” như tạm trú, hoặc như vùng xa không nước… giá nước sẽ bị đẩy lên bao nhiêu, khi hiện nay như ở Nhà Bè, người ta phải bấm bụng mua với giá gần 100.000 đồng/m³. Rút cuộc, chi phí cho tiền nước sẽ là điều không dễ thở đối với người dân!

Điều gì sẽ xảy ra, nếu áp dụng định mức theo hộ? Như chuyện người dân chuyển hộ khẩu cho con để… chạy trường, chắc chắn các hộ đông người sẽ tách hộ nhằm tăng thêm định mức. Điều này luật không cấm nhưng dẫn đến việc quản lý nhà nước sẽ khó khăn hơn. Kịch bản thứ hai, là người dân ồ ạt khoan giếng. Và ai cũng biết hậu quả xã hội của lối thoát này rất kinh khủng, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường…

Chia sẻ gánh nặng với nhà nước, người dân đồng tình việc điều chỉnh giá có lộ trình nhưng không thể áp dụng định mức theo hộ - cách này làm tăng thêm khó khăn cho người dân.

Huỳnh Công (P.6, Q.Bình Thạnh)

  • Cần có lộ trình phù hợp

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), từ nay đến năm 2025, ngành nước TPHCM cần tới gần 4 tỷ USD đầu tư cho hệ thống cấp nước. Và cam kết, trong vòng 5 năm (2009 - 2013) mức giá nước mới này sẽ được giữ nguyên, không điều chỉnh.

Trên thực tế SAWACO chưa đưa ra được phương án hiệu quả để giảm thất thoát nước. Được biết, từ năm 2007, HĐND TPHCM trong một nghị quyết đã yêu cầu giảm tỷ lệ thất thoát nước ít nhất 5% mỗi năm để còn 26% vào năm 2013. Trên thực tế, ngành nước TP vẫn chưa thực hiện được yêu cầu này. Nhưng nay lại đề xuất tăng giá một cách đột ngột và cao hơn nhiều so với những tính toán thực tế là điều mà người dân khó chấp nhận. Chưa nói đến việc áp giá mới (với mức tăng 78,7% - 89%) cho khu vực sản xuất dịch vụ vô hình trung đẩy mức giá sản phẩm và dịch vụ lên cao, tất nhiên người dân sẽ “lãnh đủ” hậu quả này.

Người dân sẵn sàng chấp nhập tăng giá nhưng tăng như thế nào để không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Phương án tăng giá phải tính toán hợp lý với tình hình thực tế. Quan trọng nhất, không thể đẩy tình trạng thất thoát nước hiện nay về phía người dân. Tăng giá nước hợp lý và có lộ trình phù hợp, đó là điều mong mỏi của người dân.

Hoàng Ngọc Lữ
(Số 65 đường 42, P.Bình Trưng Đông, Q2, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục