Nhớ về 32 dân công hỏa tuyến

Về xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh sau cái đêm trắng tang thương của 50 năm trước (đêm 15-6-1968, nhằm 20-5 âm lịch) giờ đã khác nhiều. 
Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vùng đồng bưng ngày xưa đã thành những cánh đồng rau sạch. Những em bé có mẹ đi dân công hỏa tuyến ngày ấy không về như Kim Chi, Đầm, Thắm… bây giờ đã ngoài tuổi 55. Và một thế hệ mới lớn lên với biết bao khát vọng, có em đã học xong đại học, đi làm.

Còn các chị, các mẹ của một thời đạn bom, nhiều người vẫn còn đây, vẫn áo bà ba, khăn rằn thuở nào, và vẫn không nguôi nhớ về đồng đội, nhớ về các con yêu quý của mình - những người đã hiến dâng cho đất nước tuổi thanh xuân tươi đẹp với khát vọng hòa bình. Đó là 32 dân công hỏa tuyến (27 nữ, 5 nam), những người lấy máu đào viết nên con đường dân công hỏa tuyến huyền thoại của quê hương.

Để phục vụ cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cấp ủy xã Vĩnh Lộc, chi bộ các ấp Tân Hòa, Thới Hòa đã tổ chức các đoàn dân công phục vụ chiến đấu với hàng trăm thanh niên nam nữ tham gia làm nhiệm vụ đưa thương binh vượt cánh đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An và từ đó tải đạn về Sài Gòn.

Chị Nguyễn Thị Khỏi, Nguyễn Thị Tý - những chị dân công chuyển thương binh, tải đạn vào cái đêm trắng ấy vẫn không hiểu sao mình còn sống được, trở về. Khi đoàn dân công chuyển thương binh băng qua đồng bưng thì bị máy bay địch phát hiện. Trận oanh kích quá ác liệt bằng rốc két hơn 1 giờ đồng hồ từ 22 giờ 30 dưới pháo sáng dày đặc. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, chị Huỳnh Thị Điệp còn nhờ chị Khỏi nói với mẹ mình giúp nuôi dạy con gái Kim Chi.

Lớn lên cùng ngoại và các đồng đội của mẹ, Kim Chi bé bỏng ngày nào đã trở thành công nhân thợ dệt, vẫn thường mơ về mẹ, người mẹ trong di ảnh có nụ cười rất xinh tươi. Cô luôn hứa với lòng mình, sống xứng đáng với sự hy sinh oanh liệt của mẹ, cùng chồng nuôi 2 con trở thành người có ích, đền đáp công ơn nuôi dạy của ngoại và của các dì.

Chị Nguyễn Thị Tý kể, hôm ấy, trước khi đi các chị mặc áo kép. Mẹ già có hỏi, chị trả lời rằng, mặc nhiều áo để dễ nghi trang. Các chị tinh nhanh là thế, nhưng không thể lường tất cả tai họa của chiến tranh hủy diệt.

Mẹ Nguyễn Thị Đà có 3 con liệt sĩ, năm nay đã ngoài 90, vẫn đau đáu thương nhớ những người con gái, con trai đẹp nhất của mình đã đi mãi không về. Bà là nhân chứng nơi tọa độ ác liệt, nơi cất giấu vũ khí, đào nhiều công sự, tiếp tế cho bộ đội - hướng tiến công từ phía Tây Nam vào nội thành Sài Gòn, Xuân Mậu Thân 1968.

Khi hỏi về gia đình, chị Khỏi lặng lẽ nói mình ở vậy từ khi người yêu hy sinh. Anh ấy hy sinh trước ngày hòa bình 3 tháng. Niềm vui của chị là luôn gắn với các gia đình của đồng đội năm xưa.

Từ khi Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 được xây dựng tại chính nơi 32 dân công hỏa tuyến hy sinh - nơi trước đây người dân có lập miếu thờ, các chị dân công hỏa tuyến năm xưa luôn thay nhau túc trực, lo khói hương cho các chị em ở miền linh thiêng này, cũng như chăm sóc các gia đình của các đồng đội đã hy sinh. Các chị làm với tất cả tấm lòng và nghĩa tình đồng đội chứ không đòi hỏi có chính sách gì thiệt hơn. Điều làm các chị trong Ban quản lý Khu di tích rất vui là năm 2006 có một lần trong đời được ra Thủ đô viếng Bác.

Vĩnh Lộc anh hùng - vùng phụ cận ven đô giờ đây phát triển thành những khu công nghiệp, vùng trồng rau, khu dân cư khá nhộn nhịp. Đây là xã có dân số đông vào loại nhất thành phố (120.000 dân). Cuộc sống khá lên nhưng chưa giàu vì nhiều hộ trồng rau, giá cả và đầu ra còn bấp bênh (có khi chỉ vài ngàn đồng một kg). Nhiều vấn đề về quy hoạch, hạ tầng, đường sá, dịch vụ… còn phải được quan tâm đầu tư với tầm nhìn xa, không để phát triển nóng như hiện nay.

Tham dự chương trình “Ngày ấy trong tuyến lửa” nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến mà luôn thao thức cùng 32 ngọn đèn giữa khung trời của Khu di tích và tâm đắc lời thơ da diết của chị Tú Lệ: “Có nơi nào thư thế ở nơi đây/ Đêm trắng toát đóng băng miền ký ức/ Nhà nhà giỗ chung, người người đồng vọng/ Một nóc tang gia ngun ngút chạm mái trời…/Các chị các em vẫn thanh xuân như thể/Kiệt cùng thương đau để ươm lộc cho đời”.

Ngày giỗ chung của các dân công hỏa tuyến năm nào luôn làm trái tim người còn lại xao động, rưng rưng. Càng thấm thía hơn cái giá của hòa bình. Nhịp sống mới đang đòi hỏi sự tiếp bước vững vàng hơn về phía trước.

Tin cùng chuyên mục