Ngày thứ hai xét xử vụ “điện kế điện tử” - Nhận hành vi, không nhận tội danh

Hôm qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “điện kế điện tử” thẩm vấn hai bị cáo Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) và Lê Văn Hoành (nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) xung quanh việc tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng mua 312.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) 1 pha giả nguồn gốc xuất xứ của Công ty Linkton – Singapore.

Hôm qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “điện kế điện tử” thẩm vấn hai bị cáo Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) và Lê Văn Hoành (nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) xung quanh việc tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng mua 312.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) 1 pha giả nguồn gốc xuất xứ của Công ty Linkton – Singapore.

        Sai sót do vận dụng quy định chưa đúng(?!)

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, bị cáo Lê Minh Hoàng và cấp dưới đã có nhiều sai phạm trong việc mua 312.000 ĐKĐT 1 pha. Cụ thể, theo kế hoạch đấu thầu được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt, gói thầu có số lượng 40.000 chiếc ĐKĐT, với đơn giá 340.000 đồng/chiếc, loại hợp đồng trọn gói và không điều chỉnh giá. Thế nhưng, các bị cáo đã tự ý “xé lẻ” để gói thầu chỉ còn 10.000 chiếc ĐKĐT, nâng đơn giá lên thành 580.000 đồng/chiếc mà không báo cáo với EVN.

Giải thích việc này, bị cáo Hoàng khai rằng đơn giá tăng là do ĐKĐT có gắn thêm bộ phận phát sóng trong khi đơn giá mà EVN ký chưa có giá của bộ phận này.

Chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Nguyễn Đức Sáu làm phép tính: “Với việc nâng đơn giá như vậy, mỗi chiếc ĐKĐT có giá chênh lệch 240.000 đồng. Nếu nhân với 312.000 ĐKĐT thì các bị cáo đã chi vượt kế hoạch được duyệt hơn 74 tỷ đồng, gây hậu quả lớn cho nhà nước, cho xã hội”.

Chủ tọa hỏi tiếp: “Vì sao cùng một bên mua hàng (Công ty Điện lực TPHCM – PV), cùng một bên cung cấp hàng hóa (Công ty Linkton – Singapore – PV), cùng một mặt hàng, một chủng loại mà chỉ trong năm 2004 các bị cáo ký đến 14 hợp đồng?” – “Ký nhiều hợp đồng như vậy là xuất phát nhu cầu của các đơn vị, được các phòng ban trình lên” – “Lẽ ra bị cáo phải giảm bớt số lượng hợp đồng để giảm bớt thủ tục và sự tốn kém. Đằng này hợp đồng tháng trước vừa ký xong, chưa thực hiện thì tháng này đã ký hợp đồng khác. Tại sao bị cáo không bố trí ký dồn số lượng ĐKĐT cần mua vào một hợp đồng?”.

Đến đây, bị cáo Hoàng giải thích lòng vòng, thừa nhận mình có sai sót nhưng các hành vi đó không phải là cố ý làm trái quy định của Nhà nước như cáo trạng mà chỉ là do bị cáo hiểu, vận dụng quy định chưa đúng(?!).

        “Mù mờ” về đối tác

Bị cáo Lê Văn Hoành cũng cho rằng chỉ vì mình hiểu không đầy đủ các quy định về đấu thầu nên mới có dẫn đến sai sót. Những người tham dự phiên tòa đã phải lắc đầu trước “sự mù mờ” của một người được giao nhiệm vụ lãnh đạo công ty, đảm nhận cương vị tổ trưởng tổ chuyên gia xét thầu đối với đối tác của mình.

Khi được hỏi “Tại sao Công ty Linkton – Singapore không có giấy phép sản xuất kinh doanh ĐKĐT nhưng vẫn được cho dự thầu?”, bị cáo trả lời: “Lúc xét thầu, bị cáo không biết điều này vì nhóm kỹ thuật và nhóm tài chính – thương mại (trực thuộc tổ chuyên gia xét thầu – PV) trực tiếp báo cáo cho giám đốc”.

Sự “mù mờ” này càng khó hiểu hơn khi theo bị cáo Hoành khai, trước khi có việc xét thầu vào đầu năm 2004 bị cáo không biết gì về Công ty Linkton – Singapore; thế nhưng từ cuối năm 2003, vợ chồng bị cáo đã cho công ty này thuê căn nhà của mình ở số 43 E F Hồ Văn Huê quận Phú Nhuận TPHCM làm nơi ở và nơi làm việc! Trên thực tế, địa điểm này là nơi sản xuất ĐKĐT “made in Việt Nam” dán nhãn mác Singapore.

Cũng theo lời bị cáo Hoành, chính vì không hiểu rõ quy định của pháp luật nên khi ký hợp đồng mua ĐKĐT, bị cáo không phát hiện các chi tiết sai phạm: nhà thầu là phía nước ngoài nhưng lại giao hàng tại kho thay vì giao hàng tại sân bay hoặc cảng, nhà thầu không phải nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Tự nhận đây là những sai sót mang tính khách quan, bị cáo Hoành cho rằng mình không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

ÁI CHÂN

Thông tin liên quan

>> Xét xử vụ án “điện kế điện tử”: Thiệt hại đã giảm rất nhiều 

Tin cùng chuyên mục