Về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng - Mong hai chữ công bằng

Sáng ngày 10-2, tại trụ sở Chính phủ, theo dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở Trung ương và TP Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng - Mong hai chữ công bằng

(SGGPO). - Sáng ngày 10-2, tại trụ sở Chính phủ, theo dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở Trung ương và TP Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Thành phần dự họp có đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Hội Nông dân Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ Công an, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng và Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.
 
“Ngày 10-2, Thủ tướng chủ trì cuộc họp chỉ đạo giải quyết vụ việc liên quan đến gia đình chúng tôi, chúng tôi chỉ có nguyện vọng xin Thủ tướng hai chữ: Công bằng. Mong Thủ tướng quan tâm hơn nữa đến những người dân chân lấm tay bùn và làm sao xử lý các vụ tiêu cực thật nhanh, để những bà con làm đầm như chúng tôi không mắc phải cảnh ngộ như thế này. Còn vụ việc của gia đình tôi, mong Thủ tướng làm rõ nguồn cơn đã đẩy chúng tôi vào bước đường cùng như thế này”, Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) đề đạt nguyện vọng.

*****

Ngày 9-2, PV Báo SGGP đã trở lại khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn để nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ muốn gửi Thủ tướng trong cuộc họp hôm nay.

  • Đời tôi khổ quá

Suốt tuần nay, ngày nào bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cũng tất tả chạy đi chạy lại giữa túp lều tạm dựng ngay trên nền ngôi nhà 2 tầng đã bị chính quyền huyện Tiên Lãng đập phá và nhà em chồng ở xã Tiên Hưng, nơi những đứa con đang gửi nhờ để chăm nom, học hành. Bà Thương nói giọng khắc khổ, cả tháng nay chẳng thể làm được việc gì, đầm bãi để hoang lạnh vì không còn tâm trạng đâu mà làm, phần cũng vì chờ kết luận của Thủ tướng.

Đứng trên bờ đầm chỉ ra những rặng chuối xác xơ chẳng ai chăm bón, bà bùi ngùi kể: “Đời vợ chồng tôi khổ quá. Từ khi được giao đất năm 1993 đến năm 2005, cứ vay tiền đầu tư, nợ chưa trả xong thì vỡ đê tài sản trôi ra biển. Mới vài năm gần đây bắt đầu gượng dậy chút chút đâu có ngờ lại dính cái họa “đầm bị cưỡng chế, chống người thi hành công vụ” vào cái ngày định mệnh 5-1 vừa qua”. Tới tận sáng mùng 1 Tết, xã mới rút đi, hai bà vội vã đi vào đầm thắp hương cúng thần linh, thổ địa. Nhưng một cảnh tượng làm họ rụng rời, khi trước mặt cả ngôi nhà 2 tầng quen thuộc chỉ còn đống gạch đổ nát, nham nhở vết cháy.

Tài sản của gia đình bà Thương giờ còn lại con chó và cái đầm hoang. Ảnh: VĂN PHÚC

Tài sản của gia đình bà Thương giờ còn lại con chó và cái đầm hoang. Ảnh: VĂN PHÚC

Bỗng chốc, một con chó trắng hiền lành, gầy guộc ở đâu chạy dọc bờ đầm lao về, quấn quýt lấy chủ. Bà Thương ôm con chó nhỏ vào lòng, xoa xoa đầu nó, rồi bảo: “Sau hôm cưỡng chế, toàn bộ gia tài, đồ đạc, tôm cá trong đầm đều bị cuỗm sạch, chẳng hiểu sao con chó này lại thoát được. Có lẽ, trước khi người ta đưa máy ủi vào phá nhà tôi, đốt đồ đạc thì nó đã chạy ra ngoài, chứ một con chó to hơn nữa và toàn bộ gia cầm đã bị mất tích cả rồi”.

Một người dân đứng bên cạnh bà Thương chỉ vào con chó nói: Nó là nhân chứng sống của vụ chính quyền Tiên Lãng và xã Quang Vinh tổ chức phá nhà ông Vươn, nhưng nó không thể nói được. Nó mà nói được thì những người tổ chức phá nhà ông Vươn không thể loanh quanh chối tội, dây dưa kéo dài được như thế này đâu.

  • Sẵn sàng thuê đất

Hỏi chuyện Bí thư Thành ủy Hải Phòng hôm 7-2 đã khẳng định trường hợp này có thể được thuê đất, cả hai người nói rằng sau khi biết tin mừng lắm. Bà Hiền bày tỏ: “Có phải chúng tôi không muốn chấp hành luật của Nhà nước đâu. Nếu thu hồi đất để phục vụ những công trình phúc lợi, như đường - trường - trạm, chúng tôi luôn sẵn sàng, nhưng đây lại thu hồi vì những mục đích tư lợi của một nhóm cá nhân, thu hồi đất của chúng tôi cho người khác thuê nên chúng tôi không chấp nhận”.

“Bản thân vợ chồng, anh em chúng tôi cũng đã bàn bạc, thống nhất với nhau sẽ chấp nhận thuê lại đất, với giá cao hơn là 3-4 triệu đồng/ha. Thậm chí chúng tôi chấp thuận mỗi hộ chỉ thuê tối đa 5ha cũng được, nhưng chính quyền huyện vẫn quyết thu bằng được và không bồi thường, vậy có chấp nhận được không” - bà Thương đặt câu hỏi. Bà Hiền còn cho chúng tôi biết thêm, để làm khu đầm, trong những năm qua họ phải vay mượn tới hơn 10 tỷ đồng. Nhưng tới thời điểm bị cưỡng chế, họ vẫn còn nợ bà con họ hàng hơn 3 tỷ đồng (chủ yếu là tiền vay để mở rộng đầm, mua đất và đá đắp đập, bờ vùng bờ bao). 


Công an xã hay ông Kết tiếp quản đầm? 

Điều đáng quan tâm trong vụ hàng chục tấn thủy sản trong đầm ông Đoàn Văn Vươn đã bị “bốc hơi”, lại liên quan đến Vũ Văn Kết (ảnh), SN 1972, ở xã Tiên Hưng. Đây chính là đối tượng đã khai nhận với cơ quan điều tra được 2 lãnh đạo xã Vinh Quang và Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban giải phóng mặt bằng và cưỡng chế huyện Tiên Lãng nhờ gọi xe xúc phá nhà ông Vươn sáng 6-1. Một số người dân địa phương cho biết Kết là một chủ đầm ở xã Tiên Hưng đồng thời là đối tượng khá “máu mặt” ở địa phương. Điều khó hiểu ở chỗ, sau khi cưỡng chế xong, đơn vị được giao quản lý khu đầm là Công an xã Vinh Quang, nhưng không biết vì lý do gì xã Vinh Quang lại cho phép Kết vào tiếp quản khu đầm trên.

Trao đổi với PV Báo SGGP tối qua, ông Vũ Đức Bốn, Trưởng Công an xã Vinh Quang, trả lời rằng, không nắm được vụ việc trên vì sau hôm cưỡng chế, ông được công an huyện mời họp để triển khai các công việc có liên quan nên không có điều kiện quay lại khu đầm cưỡng chế!


Báo chí bị cấm cửa 

Cả ngày 9-2, cán bộ điều tra Công an TP Hải Phòng đã làm việc với ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Trưởng ban cưỡng chế giải phóng mặt bằng huyện, tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng (thị trấn Minh Đức, Tiên Lãng, Hải Phòng). Tuy nhiên, báo chí đã không thể tiếp cận thu thập được thông tin do bị cản trở.

Ngay từ đầu giờ sáng, cán bộ điều tra Công an TP Hải Phòng đã về Tiên Lãng làm việc với ông Lê Văn Hiền và ông Nguyễn Văn Khanh. Suốt cả ngày hai vị lãnh đạo này phải trả lời các thông tin xung quanh vụ cưỡng chế, giải phóng mặt bằng tại xã Vinh Quang, đặc biệt là việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau khi cưỡng chế. Dù làm việc trong phòng nhưng khi thấy phóng viên bên ngoài, ông Hiền lập tức ra khỏi phòng lớn tiếng yêu cầu phóng viên rời khỏi trụ sở UBND huyện. Không chỉ vậy, ông Hiền còn yêu cầu bảo vệ đóng cửa, cấm tất cả báo chí vào trụ sở UBND huyện.  

Cán bộ Cơ quan Cảnh sát Điều tra làm việc với ông Hiền

Cán bộ Cơ quan Cảnh sát Điều tra làm việc với ông Hiền

Thậm chí, khi buổi làm việc sáng kết thúc, phóng viên trình thẻ nhà báo đề nghị gặp gỡ lãnh đạo huyện và một số cơ quan trực thuộc thì bị bảo vệ xô đẩy đuổi ra khỏi trụ sở huyện vì chưa có lệnh cấp trên. Trong khi đó, ông Hiền và Khanh đang đứng ở hành lang tầng 2. Trong khi đó, tại Huyện ủy Tiên Lãng, phòng Bí thư và Phó Bí thư Huyện ủy cũng “cửa đóng then cài”. Còn tại trụ sở Công an huyện Tiên Lãng, trực ban trả lời xanh rờn “lãnh đạo bận, không tiếp báo chí”.

Buổi làm việc của cán bộ điều tra với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng kéo dài tới gần 18 giờ 30. Sau khi phóng viên được phép vào trụ sở UBND huyện thì cả hai đã “lặn mất tăm”. Cùng ngày, Cơ quan điều tra, Công an Hải Phòng đã triệu tập 4 đối tượng Phạm Đăng Hoan, Bí thư xã Vinh Quang; Lê Thanh Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang; Vũ Văn Kết (người đi thuê máy xúc) và Đặng Văn Tài (người lái máy xúc) để làm việc về vụ phá nhà ông Vươn, sau khi có quyết định khởi tố vụ án phá hoại tài sản công dân.

Bình thường thôi! 

Ngày 9-2, ông Đặng Văn Hai, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng trao đổi với báo chí.

* Dư luận nhân dân Tiên Lãng nhìn nhận vụ việc này như thế nào?

* Ông ĐẶNG VĂN HAI: Cũng bình thường thôi!

* Theo ông, “bình thường” ở đây là đồng tình hay bức xúc trước những quyết định về việc cưỡng chế của chính quyền huyện?

* Tôi nghĩ phần lớn người dân địa phương là nông dân, suốt ngày vất vả, chăm lo cuộc sống của gia đình nên nhiều người không để ý vụ này.

* Vậy sau vụ cưỡng chế ngày 5-1, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tổ chức giao ban dư luận chưa?

* Chúng tôi chưa tổ chức được giao ban dư luận sau vụ việc trên vì bận nhiều việc quá.

.

Q. Khánh - V.Phúc

Vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng (Hải Phòng):

- Người dân đề nghị cách chức Bí thư Huyện ủy và nhiều cán bộ khác

- Từ vụ Tiên Lãng nghĩ về việc đối thoại với dân

- Đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện và nhiều thuộc cấp

- Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân

- Thủ tướng sẽ chủ trì họp chỉ đạo giải quyết vụ việc

- Đúng luật!?

- Gần 100 chủ đầm hoang mang

- Cần sớm sửa Luật Đất đai

- Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng

Tin cùng chuyên mục