Xem xét điều chỉnh chương trình lập pháp

° Cấp bách sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp ° chuẩn bị dự án Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân

° Cấp bách sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp ° chuẩn bị dự án Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân

(SGGP).- Chiều 15-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII và năm 2013. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung 9 dự án vào chương trình khóa XIII, trong đó có 5 dự án luật, pháp lệnh và 4 nghị quyết. Riêng chương trình năm 2013, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án vào chương trình chính thức, trong đó có 6 dự án luật và 4 nghị quyết.

Đáng lưu ý, đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (hai dự án này được đề nghị tách ra từ dự án Luật Đầu tư công, Mua sắm công), Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 và đưa dự án Luật Đầu tư công vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7… Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị này. Như vậy, sau khi điều chỉnh theo đề nghị của Chính phủ thì tổng số dự án thuộc chương trình chính thức năm 2013 do Chính phủ trình 38 dự án (tăng 10 dự án so với chương trình hiện tại).

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp rất cấp bách để giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy định tại khoản 2 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung) thời hạn đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết kể từ ngày 1-8-2011 nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lại. Nếu không được đăng ký lại, các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động sau khi kết thúc thời hạn ghi trên giấy phép đầu tư. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét để sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp bằng nghị quyết của Quốc hội, theo trình tự thủ tục rút gọn. Tuy thống nhất với sự cần thiết phải gấp rút sửa đổi quy định này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng không nên dùng một nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi luật, phải xây dựng thành văn bản luật và nếu kịp trình Quốc hội thông qua theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 5.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chuẩn bị dự án Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi. Đây là các dự án luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, sau khi thông qua Hiến pháp, việc đưa các luật trên vào chuẩn bị, xem xét để thông qua sẽ “đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội”. Các luật này đã có trong chương trình lập pháp của QH khóa XIII. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các dự án luật nêu trên cần chuẩn bị thật tốt mới đưa vào chương trình làm việc chính thức.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục