Tận dụng rác hữu cơ ở đô thị

Tận dụng rác hữu cơ ở đô thị

Ở các đô thị, trong đó có TPHCM, việc thu gom và xử lý rác là một vấn đề bức bách và nan giải, vì phải làm sao đảm bảo vệ sinh, xử lý an toàn, tiết kiệm, không gây ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian qua, tại TPHCM, việc thu gom rác được giao cho các công ty công ích và các nghiệp đoàn dân lập thực hiện, về cơ bản giải quyết được yêu cầu của người dân, nhưng việc xử lý rác vẫn còn nhiều hạn chế. Các bãi chôn lấp rác chưa thực sự bảo đảm vệ sinh môi trường và có dấu hiệu quá tải. Việc tái chế rác chưa được thực hiện hiệu quả, phần lớn dừng lại ở các hoạt động thủ công, đó là thu lượm, phân loại rác thành các loại ve chai, tuy có lợi ích nhất định về mặt kinh tế nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho người thực hiện. Các giải pháp đó đều không mang tính căn cơ.

Nhiều năm trước, TPHCM đã đề ra việc phân loại rác tại nguồn với 2 túi rác vô cơ và hữu cơ ngay tại thùng rác gia đình, nhưng kết quả không đạt được như mong muốn. Vấn đề này có nhiều lý do, từ công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thiết bị cho người dân, đến việc thu gom và xử lý rác của các đơn vị. Ngay cả rác thải y tế và rác thải công nghiệp cũng chưa được xử lý một cách thực sự hiệu quả, hợp lý, thì vấn đề xử lý rác dân sinh vẫn phải tiếp tục chờ những giải pháp mới.

Người dân có thể tự làm phân compost bằng thùng rác compost từ rác hữu cơ

Trong khi chờ đợi, hàng ngày chúng ta vẫn lãng phí rất nhiều nguồn lợi từ rác thải hữu cơ, đặc biệt là rác hữu cơ sinh hoạt. Đó là các loại rác từ phần loại bỏ của nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thừa, vỏ và hoa quả, bánh kẹo, hoa lá trang trí trong nhà sau khi không dùng nữa. Đặc điểm của loại rác này là nhanh bị phân hủy nên không thể để lâu, sau khi không dùng nữa thì phải được vận chuyển xử lý ngay, nếu không sẽ bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Các loại rác này sau khi xử lý có thể dùng làm thức ăn cho động vật, làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, kể cả có thể dùng để tạo ra năng lượng. Đặc biệt là với việc xử lý thành phân hữu cơ, rác thải loại này có ưu điểm là không cần thời gian xử lý và chuyển hóa quá lâu, có hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng cao, ít nhiễm vi sinh cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường như sử dụng phân vô cơ, đồng thời góp phần quan trọng vào việc cải tạo đất. Thế nhưng, phần lớn rác hữu cơ sinh hoạt hiện nay bị bỏ phí, vừa ở quy mô gia đình vừa ở quy mô xã hội.

Trong bối cảnh ở đô thị, cần tận dụng nguồn rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, không chỉ có ý nghĩa trong việc giúp giảm tải cho các bãi chôn lấp rác, hạn chế gây ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm chi phí không ít trong việc trồng trọt. Ở quy mô gia đình, rác hữu cơ có thể được ủ theo một quy trình nhất định để làm phân bón cho rau xanh, hoa kiểng… với chi phí rất thấp nhưng kết quả rất tích cực. Vấn đề là các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật hoặc thiết bị để người dân có thể dễ dàng thực hiện. Ở quy mô xã hội, Nhà nước nên khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón với quy trình chặt chẽ và khép kín từ việc thu gom rác, vận chuyển, trữ, xử lý, tiêu thụ.

Trong bối cảnh TP ngày càng đông dân, áp lực về môi trường rất lớn, trong khi lượng rác thải ra ngày càng nhiều, thì yêu cầu xử lý rác tại nguồn là hết sức cần thiết. TPHCM nên khởi động lại chương trình này với những tính toán căn cơ và dài hơi. Đây là giải pháp hữu hiệu cho bài toán rác thải của TPHCM nói riêng và các đô thị nói chung hiện nay.

TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục