Tạo sự tập trung cao độ cho người tham gia giao thông

Qua nghiên cứu, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta, cho thấy có đến 70% số vụ TNGT là do yếu tố con người, 13% là do hạ tầng giao thông, 12% là do phương tiện, 5% là do yếu tố điều kiện tự nhiên và một số yếu tố khác.
Tạo sự tập trung cao độ cho người tham gia giao thông

Qua nghiên cứu, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta, cho thấy có đến 70% số vụ TNGT là do yếu tố con người, 13% là do hạ tầng giao thông, 12% là do phương tiện, 5% là do yếu tố điều kiện tự nhiên và một số yếu tố khác.

Tạo sự tập trung cao độ cho người tham gia giao thông ảnh 1

Giáo dục ý thức tuân thủ Luật Giao thông trong trường học sẽ giúp học sinh tham gia giao thông một cách an toàn.

Như vậy, khi giải quyết bài toán an toàn giao thông (ATGT), điều quan trọng nhất là yếu tố con người. Để giải quyết yếu tố con người, thường có 2 cách chính. Cách thứ nhất là tạo ra ý thức trước khi tham gia giao thông, cụ thể là tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Nên giáo dục từ khi ngồi ghế nhà trường trong nội dung các môn học giáo dục công dân, giáo dục thể chất và ngoại khóa. Từng cơ quan, xí nghiệp, công ty, đơn vị cũng cần có trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở cán bộ công nhân viên quan tâm giữ an toàn giao thông. Việc nâng ý thức cho người tham gia giao thông, chúng ta đã và đang làm, nhưng cần quyết liệt hơn nữa, làm sao tạo ra một xã hội có văn hóa tham gia giao thông biết quý trọng tính mạng, tài sản của bản thân mình và người khác, cũng như biết nhường nhịn nhau. Như vậy, sẽ hạn chế hành vi liều mạng chạy đua nhau quá tốc độ bất chấp tính mạng của mình và người khác, sẽ giảm TNGT.

Cách thứ hai cần bàn đến là tạo sự tập trung cao độ cho người tham gia giao thông. Nhiều vụ TNGT xảy ra do lái xe không tập trung hoặc trong trạng thái tâm lý không tốt, như sức khỏe không đảm bảo, say xỉn, ngủ gật… Khi ấy sẽ dễ va chạm với người tham gia giao thông cùng hướng, xe băng ngang đường, hoặc khi vào các đoạn đường bất lợi như khúc cua gấp, đường hẹp (công trình đang thi công, vào hai đầu cầu…). Mất tập trung khi tham gia giao thông, nếu gặp sự cố sẽ phản ứng không kịp. Cái khó ở đây là làm sao tạo sự tập trung cao độ của người tham gia giao thông khi hệ thống giao thông của nước ta ngoài chức năng chính là vận chuyển người và hàng hóa thì còn có chức năng phục vụ thương mại, mỗi nhà đều mở cửa hàng mua bán, dịch vụ ở hai bên đường. Ở nước ta, hệ thống đường giao thông vẫn chưa hoàn chỉnh, việc mở rộng đường thường làm từng bước, cũng gây khó khăn trong quá trình đi lại, nên đôi khi chỉ cần lái xe mất tập trung vài giây là có thể gây ra TNGT.

Muốn làm người tham gia giao thông tập trung cao độ, trên đường cần phải sơn các vạch dẫn hướng phản quang (khi chưa có điều kiện làm dải phân cách). Hiện tại, dọc theo hai bên đường ở nước ta thường có các cột đèn chiếu sáng, ngành giao thông nên tận dụng các cột đèn này để sơn lên đó những vạch sơn phản quang có tính dẫn hướng, làm tăng sự chú ý tập trung khi lái xe. Khi quy hoạch hệ thống cây xanh hai bên đường hoặc trên dải phân cách, cũng nên chú ý chọn các loại cây có màu sắc vừa tạo mỹ quan vừa tạo sự tập trung cao độ khi tham gia giao thông. Do hạn chế về điều kiện kinh phí và tự nhiên của nước ta, nên để tạo sự tập trung cao độ cho người tham gia giao thông, chúng ta không thể áp dụng rập khuôn theo các nước khác, mà chọn giải pháp nào có tính thẩm mỹ và an toàn khi tham gia giao thông là được. Muốn như thế, cần có sự sáng tạo và tư duy, chứ không phải cứ thấy đoạn đường hay xảy ra TNGT thì treo biển cảnh báo là xong. Biển cảnh báo phải đặt trước nơi thường xảy ra TNGT để kịp cho người lái xe phản ứng tập trung cao độ.

Thạc sĩ cầu đường NGUYỄN NGỌC TÂN

Tin cùng chuyên mục