WHO có thể nâng báo động cúm A/H1N1 lên cấp cao nhất

WHO có thể nâng báo động cúm A/H1N1 lên cấp cao nhất

* Phát hiện virus cúm A/H1N1 trên heo ở Canada
* Cúm A/H1N1 có thể bắt nguồn từ bang California (Mỹ)

Hãng Bloomberg ngày 3-5 dẫn lời quan chức cấp cao thuộc Mạng lưới Phản ứng và Cảnh báo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết, dù dịch cúm A/H1N1 hiện vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ, và chưa lan tới khu vực Bắc Phi, nhưng nếu các ca lây nhiễm tại nhiều nơi trên thế giới không ngừng tăng lên, thì WHO có thể sẽ phải nâng báo động đến mức cao nhất (cấp 6) còn gọi là “đại dịch toàn cầu” hoặc theo thuật ngữ của giới dịch tễ học là cấp “chiến tranh siêu vi trùng”.

Đo thân nhiệt du khách tại sân bay quốc tế Hồng Công (Trung Quốc).

Đo thân nhiệt du khách tại sân bay quốc tế Hồng Công (Trung Quốc).

Mặc dù các biện pháp giám sát và ngăn ngừa đã được triển khai đến tối đa trên toàn thế giới, nhưng số quốc gia và khu vực trên thế giới công bố bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm virus cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục tăng.

Theo số liệu thống kê của WHO, hiện virus cúm A/H1N1 đã có mặt tại 18 nước và vùng lãnh thổ với số người được khẳng định nhiễm virus lên tới 809 người và số người nghi nhiễm virus lên tới 3.752 người. Mỹ, nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai của dịch cúm A/H1N1 sau Mexico, cho biết đã có 162 trường hợp khẳng định nhiễm virus cúm A/H1N1 tại 21 bang trong cả nước. Riêng tại TP New York, có tới hơn 1.000 người nghi nhiễm virus A/H1N1, tuy nhiên, tất cả những người này đang được điều trị hoặc sức khỏe đã được cải thiện.

Cùng lúc này, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) công bố báo cáo cho biết cúm A/H1N1 có thể bắt nguồn từ bang California của Mỹ. Theo đó, trường hợp nhiễm bệnh virus A/H1N1 đầu tiên được phát hiện ở California là một bé trai 10 tuổi ở hạt San Diego (nằm sát biên giới với Mexico) vào ngày 30-3, thời điểm trước khi bùng phát dịch ở Mexico.

Trường hợp thứ hai là một bé gái 9 tuổi thuộc hạt California gần đó, nhập viện ngày 25-3. Cả 2 trường hợp nhiễm bệnh này đều không tới Mexico hay tiếp xúc với heo và đã hồi phục.

Tại Mexico, nước được coi là nơi bùng phát dịch đầu tiên, tính đến ngày 3-5, số bệnh nhân tử vong do virus cúm A/H1N1 được xác định là 19 và số người nhiễm virus cúm này là 397 người. Bộ trưởng Y tế Colombia Diego Palacio đã xác nhận trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 đầu tiên ở nước này, nâng tổng số quốc gia xác nhận cúm quốc gia nhiễm cúm A/H1N1 lên 19 nước, vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, WHO đã phân phối 2,4 triệu liều thuốc chống cúm Tamiflu tới 72 nước đang phát triển trên thế giới nhằm giúp các nước này chống lại nguy cơ xảy ra đại dịch cúm A/H1N1.

Hãng AFP cho biết, Đại hội đồng LHQ sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay 4-5 để thảo luận về các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế và Trăng Lưỡi liềm Đỏ cho biết hàng triệu người tình nguyện từ 186 quốc gia đang được huy động để giúp cho các cộng đồng tự bảo vệ tránh nguy cơ bị lây nhiễm cúm A/H1N1.

Andrew Pekosz, một chuyên gia về sinh học phân tử tại Đại học John Hopkins cho biết, không một ai có tính miễn nhiễm đối với virus cúm A/H1N1. Tuy nhiên, điều đáng mừng là việc phân tích các phân tử cho thấy virus này không phải là loại virus luôn biến dạng. Vì vậy, việc triển khai một loại thuốc chủng ngừa có thể sẽ dễ dàng hơn.

V.A. (Theo Bloomberg, AFP, THX)

Hôm qua 3-5, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) dẫn lời một nguồn tin của Canada cho biết, mặc dù cho đến nay, hầu như các thông tin hiện có đều xác định không phát hiện thấy virus cúm A/H1N1 trên heo mà chỉ phát hiện loại virus này lây truyền từ người sang người.

Tuy nhiên hôm qua, trong một thông cáo đăng trên trang web của mình, Cơ quan kiểm dịch thực phẩm Canada (CFIA) cho biết đã phát hiện virus cúm A/H1N1 trên một đàn heo ở tỉnh Alberta. Dẫu vậy, cơ quan này cũng tuyên bố rằng việc cung cấp thực phẩm không bị ảnh hưởng và ăn thịt heo của Canada thì vẫn an toàn.

Người ta cho rằng những con heo trong đàn bị phát hiện có virus cúm A/H1N1 kể trên đã phơi nhiễm virus khi người chủ trại vừa trở về từ Mexico rồi xuất hiện các triệu chứng của bệnh cúm. Tiếp đến có hiện tượng heo bị ốm. Hiện tại, người chủ trại đã hồi phục và tất cả heo trong đàn cũng đang hoặc đã hồi phục.

VĂN PHÚC
(Nguồn: Cục Thú y- Bộ NN-PTNT)


Theo điều tra của AP công bố ngày 2-5, có hơn nửa số bang ở Mỹ thiếu thuốc trị cúm dự trữ theo yêu cầu của chính quyền liên bang khi dịch cúm A/H1N1 lan sang Mỹ.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế và Dịch vụ con người (HHS), mỗi bang phải trữ một lượng thuốc kháng virus đủ để điều trị cho 25% dân số bang. Tuy nhiên, có 29 bang không đạt mức này, trong đó 15 bang có lượng thuốc dự trữ chỉ đủ để điều trị cho chưa tới 20% dân số; 7 bang Arizona, Colorado, Connecticut, Florida, Idaho, Massachusetts và Montana có lượng thuốc dự trữ chỉ đủ để điều trị cho 15% dân số.

Riêng ở Hawaii, lượng thuốc dự trữ đủ để điều trị cho 29% dân số. Sở dĩ có mức tăng này do chính quyền Hawaii “tính” luôn cho cả du khách.

Theo Bill Hall, người phát ngôn của HHS, chính quyền liên bang yêu cầu con số 25% là căn cứ vào thống kê những đợt bùng phát dịch đã xảy ra, trong đó khoảng 25% dân số bị lây nhiễm.

Ngọc Lê

Thông tin liên quan

- Tạo ra vaccine ngừa cúm A/H1N1: Cần 4-6 tháng

- Trước đại dịch cúm A/H1N1 - Mở rộng giám sát dịch tễ nơi công cộng

- Đại dịch cúm heo A/H1N1 lên mức cảnh báo cấp 5: Các bộ, ngành phải có ngay kế hoạch ứng phó đại dịch

- Trước nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1: Sẽ bổ sung thêm máy thở và thuốc Tamiflu

- WHO nâng mức báo động cúm heo lên cấp 5

- Nâng mức báo động cúm A/H1N1 lên cấp 5

- WHO nâng mức báo động bệnh cúm heo lên mức 4

- Virus cúm heo có nguy cơ lan nhanh toàn cầu

- Dịch cúm heo lan nhanh, thêm 5 nước có người nhiễm

Tin cùng chuyên mục