Trước nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1

Sẽ bổ sung thêm máy thở và thuốc Tamiflu

*Chưa phát hiện virus cúm lây sang người do ăn thịt heo
Sẽ bổ sung thêm máy thở và thuốc Tamiflu

*Chưa phát hiện virus cúm lây sang người do ăn thịt heo
*Dịch cúm A/H1N1 lan đến châu Á
*Hồng Công cách ly hàng trăm người trong một khách sạn
*Hàn Quốc thông báo ca nhiễm đầu tiên

(SGGP 12G).- Sáng nay, 2-5, TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, để chuẩn bị đối phó với nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1, cục đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trên khẩn trương thống kê số máy thở hiện còn sử dụng được.

Theo báo cáo mới nhất của 13 bệnh viện tuyến trung ương, hiện có 401 máy thở, 376 máy sử dụng được. Tuy nhiên, số máy này đều đang phải hoạt động hết công suất, thậm chí đã hết khấu hao. Như tại BV Bạch Mai có 135 máy thở, thì lúc nào cũng có bệnh nhân sử dụng và 80% số máy đã hết khấu hao.

Tại thời điểm này, Bộ Y tế còn dự trữ 880.000 viên Tamiflu, hơn 20.880 khẩu trang phòng dịch N95. Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch Bộ Y tế thì số thuốc Tamiflu đủ dùng trong giai đoạn đầu nếu đại dịch cúm A/H1N1 xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, bộ đã yêu cầu các đơn vị trực tiếp tham gia phòng chống dịch khẩn trương xây dựng kế hoạch, để bộ có thể sớm bổ sung máy thở, thuốc Tamiflu và trang thiết bị phòng chống dịch cho những đơn vị còn thiếu. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể xin cơ chế mua theo chỉ định thầu để kịp thời có đủ thuốc và thiết bị chống dịch.

Liên quan tới việc sử dụng thịt heo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) và Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE) đã chính thức ra tuyên bố chung nêu rõ: “Chưa phát hiện khả năng lây truyền của virus cúm A/H1N1 sang người do ăn thịt heo hoặc các sản phẩm từ heo đã qua chế biến. Thịt heo và sản các phẩm thịt heo đã được xử lý theo quy định vệ sinh của WHO, Ủy ban Dinh dưỡng Codex và OIE không phải là nguồn lây bệnh”. WHO cũng đã quyết định đổi tên gọi từ cúm heo A/H1N1 sang cúm A/H1N1.

Sẽ bổ sung thêm máy thở và thuốc Tamiflu ảnh 1
Nhân viên y tế kiểm tra tại khách sạn Metropark, Hồng Công (Trung Quốc)

* Sáng nay, hàng trăm người trong khách sạn Metropark ở Hồng Công (Trung Quốc) đã bị cách ly sau khi một khách trọ trong khách sạn được xác nhận nhiễm virus cúm A/H1N1. Khách này mang quốc tịch Mexico, đến từ Mexico hôm 30-4, đã nhập viện khi có triệu chứng sốt và hiện nay sức khỏe tạm ổn định.

Cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp y tế với các nhân viên khách sạn, đồng thời tìm kiếm tung tích tài xế taxi đã tiếp xúc với bệnh nhân. Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này đã đình chỉ các chuyến bay từ Mexico tới Thượng Hải sau sự việc trên.

Hãng Yonhap sáng nay đưa tin, Hàn Quốc thông báo nước này đã xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên. Đó là một nữ tu 51 tuổi, đã được cách ly từ ngày 28-4 sau khi trở về từ Mexico.

Ngày 8-5, Bộ trưởng Y tế các nước Đông Nam Á sẽ họp tại Thái Lan bàn về biện pháp phối hợp phòng chống dịch cúm A/H1N1. Tại cuộc họp, Thái Lan sẽ đề xuất việc giám sát biên giới và cửa khẩu, cũng như các hoạt động trao đổi thông tin, dự trữ và sản xuất vaccine.

° Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các xét nghiệm cho thấy loại vaccine cúm theo mùa hiện nay có rất ít tác dụng trong việc chống virus A/H1N1 mới. WHO tin tưởng khả năng sản xuất thành công vaccine chống cúm A/H1N1 nhưng phải mất 4-6 tháng để có những liều vaccine đầu tiên.

TRUNG KIÊN - H.Tr.

Thông tin liên quan

>> WHO nâng mức báo động cúm heo lên cấp 5

>> Nâng mức báo động cúm A/H1N1 lên cấp 5

>> WHO nâng mức báo động bệnh cúm heo lên mức 4

>> Virus cúm heo có nguy cơ lan nhanh toàn cầu

>> Dịch cúm heo lan nhanh, thêm 5 nước có người nhiễm

>> Thế giới vào cuộc ngừa cúm heo

>>Trước đại dịch cúm A/H1N1 : Giám sát tốt, phát hiện sớm

Tin cùng chuyên mục