Ứng phó hiệu quả với tấn công mạng

Trong 9 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận và điều phối xử lý 9.964 cuộc tấn công website; trong đó có 1.762 sự cố website lừa đảo (phishing), 4.595 sự cố về phát tán mã độc (malware) và 3.607 sự cố tấn công thay đổi giao diện (deface).
Việc ngăn ngừa và phòng chống các vụ tấn công mạng không chỉ là việc của các chuyên gia, các cơ quan phụ trách về an ninh mạng và các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là vấn đề của từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng máy tính hoặc các thiết bị khác có kết nối mạng internet. Bởi nguy cơ có thể đến với bất kỳ ai, ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong 9 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận và điều phối xử lý 9.964 cuộc tấn công website; trong đó có 1.762 sự cố website lừa đảo (phishing), 4.595 sự cố về phát tán mã độc (malware) và 3.607 sự cố tấn công thay đổi giao diện (deface). Đáng chú ý là vào tháng 7-2017, đã xảy ra các vụ tấn công hệ thống thông tin của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Còn các trường hợp mã độc tống tiền WannaCry, đánh cắp dữ liệu, xâm nhập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin thông qua máy chủ… cũng không phải là cá biệt. Do đó, vấn đề bảo mật của hệ thống thông tin ở nước ta đang vô cùng cấp thiết.
Bảo vệ an ninh mạng ở tầm vĩ mô, rất cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các trường hợp xảy ra, xử lý nghiêm các sai phạm, hỗ trợ thỏa đáng cho các nạn nhân bị thiệt hại và thực hiện hợp tác quốc tế đầy đủ. Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, an toàn, có kế hoạch duy tu, nâng cấp thường xuyên và luôn bám sát sự phát triển công nghệ của thế giới; đầu tư đào tạo các chuyên gia, các chuyên viên về công nghệ thông tin nói chung và về an ninh mạng nói riêng có kiến thức chuyên môn, có lập trường chính trị vững vàng, có khả năng xử lý tình huống tốt để tham gia ứng phó với vấn nạn này. 
Nếu mỗi người, mỗi tổ chức không đề cao cảnh giác, thực sự chú trọng các biện pháp phòng chống hữu hiệu thì bản thân hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân, khi có thiệt hại xảy ra không phải chỉ có cá nhân mình hay doanh nghiệp mình mới chịu thiệt hại. Do vậy, các tổ chức, các doanh nghiệp nên có ý thức xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, hiện đại, có hệ thống bảo mật tốt và có phương án ứng phó hữu hiệu với các tình huống có thể xảy ra, không nên lơ là. Để tăng cường tính bảo mật cho hệ thống mạng của mình, phải thường xuyên cải tạo, nâng cấp các phiên bản phần mềm, các thiết bị lưu trữ. 
Nói nôm na, vấn đề an ninh mạng cũng như giữ nhà. Tức là, mỗi người, mỗi nhà đều phải luôn đề cao cảnh giác, chú ý cửa nẻo, bảo quản tài sản, thường xuyên thay đổi ổ khóa và cải tiến hàng rào, cửa chính, cửa sổ…; có như vậy thì kẻ xấu mới khó có cơ hội đột nhập và gây thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục