Hội thảo về Tây Sơn - Nguyễn Huệ

Ngày 6-6, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo Tây Sơn – Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Đây là lần thứ 5, hội thảo về Quang Trung và thời kỳ Tây Sơn được tổ chức tại Thừa Thiên – Huế. Hội thảo lần này có 30 tác giả, đa số là những chuyên gia về thời Tây Sơn ở Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên – Huế, Bình Định và 4 tác giả ở nước ngoài.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra những nghiên cứu công phu từ 2 nguồn tư liệu chủ yếu, là thư tịch trong và ngoài nước. Bên cạnh là những nghiên cứu, khảo sát điền dã ở các địa bàn, địa danh gắn với phong trào Tây Sơn. Các nghiên cứu này đã đưa ra khá nhiều thông tin mới về cuộc đời của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung và thời kỳ Tây Sơn. Nhà nghiên cứu, thạc sĩ Lê Tiến Công phân tích tập hồi ký của người Anh tên là John Barrow đến nước ta vào năm 1792-1793, cho biết Nguyễn Nhạc là người lớn tuổi nhất trong các anh em Tây Sơn, là thương nhân giàu có buôn bán với Trung Quốc và Nhật Bản.

Ý kiến này khác với tư liệu trong nước lâu nay cho là Nguyễn Nhạc là người buôn bán nhỏ (ông buôn trầu từ miền ngược – An Khê đến miền xuôi – Quy Nhơn). Qua việc đối chiếu với tư liệu triều Thanh, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết cho là nhà Tây Sơn có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa. Ông này có thể do bị chết sớm hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại, chỉ sau khi Nguyễn Quang Hiển kê khai lý lịch với quan chức triều Thanh khi đi sứ vào năm 1790 mới được tiết lộ về nhân thân của mình.

Về cái chết của Hoàng đế Quang Trung, từ Hoa Kỳ, bác sĩ Bùi Minh Đức cho biết, sau khi khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là “huyễn vựng”, trong đó có nói đến cách điều trị của thái y, chăm sóc của Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi qua đời, ông nghiên cứu kết hợp với chuyên ngành y khoa hiện đại của nội, ngoại thần kinh; tai mũi họng; nội, ngoại thương; tim mạch… tái lập một hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân có tên Nguyễn Huệ; giới tính: nam; chết ở tuổi: 39; nghề nghiệp: Chỉ huy quân đội, tác giả đưa ra giả thiết về cái chết của Hoàng đế Quang Trung là do: “Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc”.

Nghiên cứu về sự nghiệp của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: Quang Trung – Nguyễn Huệ là thiên tài quân sự, ông đã đưa ra tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một đỉnh cao mới. Về vấn đề thống nhất đất nước: đây là thời kỳ phong trào Tây Sơn phát triển trong quy mô toàn quốc và công cuộc lập lại nền thống nhất đất nước mở ra một triển vọng mới. Đánh giá về vương triều Quang Trung, giáo sư Lê cho rằng: sau ngày 22-12-1788, vương triều Quang Trung là vương triều mạnh nhất và tiến bộ nhất từ trước cho đến thời kỳ đó. Tuy nhiên, về công cuộc canh tân dựng nước, vua Quang Trung chưa thực hiện đầy đủ vì chỉ có hơn 3 năm thực thi nên chưa phát huy tác dụng thì nhà vua qua đời. Hoàng đế Quang Trung mất đi là một tổn thất lớn của vương triều Tây Sơn, đồng nghĩa với sự suy yếu của vương triều này và dẫn đến sự thất bại trước Nguyễn Ánh. 

VÕ LINH 

Công bố 8 tư liệu mới nhất về triều đại Tây Sơn

Tại hội thảo, có 8 tư liệu mới nhất về triều đại Tây Sơn đã được công bố gồm: Lá thư của Đại Tư Mã Ngô Văn Sở gửi Phan Khải Đức; thư gửi Trần Danh Bính; Tư liệu về Tư Khấu Định thời Tây Sơn; Nhận diện kinh đô vương triều Thái Đức; Khảo về tiền Tây Sơn; Bản sao 6 bức tranh quý “Bình Định An Nam chiến đồ”; Khởi nghĩa Tây Sơn trong tác phẩm văn học của John Barrow và Nguyên nhân cái chết của Hoàng đế Quang Trung.

NG.HÙNG

Tin cùng chuyên mục