Người dự báo “Thời tiết ngày mai”

Đã là người cầm bút, ai cũng có ít nhiều khả năng dự báo, như một thứ của trời cho. Ở nhà văn - kịch tác gia Xuân Trình thì khả năng này rất nổi trội, được thể hiện qua nhiều tác phẩm của ông.
Người dự báo “Thời tiết ngày mai”

Đã là người cầm bút, ai cũng có ít nhiều khả năng dự báo, như một thứ của trời cho. Ở nhà văn - kịch tác gia Xuân Trình thì khả năng này rất nổi trội, được thể hiện qua nhiều tác phẩm của ông.

Hầu như trong tất cả các vở kịch của mình, Xuân Trình chẳng viết điều gì cao siêu, xa lạ mà toàn là chuyện của làng trên xóm dưới, huyện này tỉnh nọ rất chi là gần gũi, nóng hổi tính thời sự. Đời sống dung chứa trong kịch của ông dư dật đến độ cứ mở màn ra là người xem bị cuốn hút, bị dẫn dắt bởi những tình tiết tươi ròng, như ngửi thấy cả mùi bùn đất rơm rạ, khiến họ có cảm giác trên sân khấu là chuyện của cuộc đời đang diễn ra quanh quất đâu đây chứ không còn cảm giác hư cấu nghệ thuật nữa.

Thời chiến tranh phá hoại của Mỹ, Xuân Trình đi thực tế trong tuyến lửa miền Trung. Tại một nơi bên đường mòn Trường Sơn, lúc chiều tối, Xuân Trình bắt gặp một cô gái đang hái rau bang, rau măng giữa cánh rừng vắng người. Hình tượng ấy làm lay động con tim tác giả. Cô gái đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Mai trong vở Ngày xưa nơi đây là chiến tranh.

Thậm chí có nhân vật, không chỉ mô tả hình dáng, tính cách, Xuân Trình còn “bê” nguyên xi cả tên thật, quê quán ngoài đời vào vở Thời tiết ngày mai, như cô Lụa ở Yên Khánh - Ninh Bình. Khi Xuân Trình viết vở kịch ấy, Lụa mới chỉ là một cô cán bộ thôn xóm gì đó. Sau này Lụa thăng tiến lên tới Phó Chủ tịch huyện.

Xuân Trình bám sát cả những nghị quyết, mỗi khi có một nghị quyết của Đảng ban hành nói về vấn đề gì thì Xuân Trình có ngay vở kịch nói về vấn đề ấy, rất nhạy bén. Nhưng chưa có ai gọi Xuân Trình là “nhà văn minh họa” cả. Bởi, bên trong những gì mang tính “mùa vụ”, nóng hổi tính thời sự, hài hước gây cười, bao giờ kịch Xuân Trình cũng ẩn chứa những điều mệnh hệ, mang tính dự báo, đi trước thời đại, khiến người xem không thể không suy ngẫm và rút ra một ý nghĩa nào đó.

Những vở kịch viết những năm cuối đời như Ngôi nhà màu hồng ngọc, Nghĩ về mình, Nửa ngày về chiều… Xuân Trình đã chạm tới những vấn đề muôn thuở của văn chương nghệ thuật, ấy là mối quan hệ khi thuận khi nghịch giữa cá nhân con người với cộng đồng, với môi trường sống, và những gì thuộc về thân phận kiếp người… Kịch của Xuân Trình có tính dự báo rất cao như thế nên nó thường gặp những trở ngại trong quá trình từ bước dàn dựng đến bước công diễn.

Và cuối cùng, một yếu tố nữa làm nên giá trị kịch bản Xuân Trình, đó là tính văn học. Trong Xuân Trình có một kịch tác gia và một nhà văn cộng lại. Xuân Trình đến với nghệ thuật bắt đầu bằng văn xuôi. Tác phẩm đầu tay của ông là tập truyện và ký có tên là Từ một làng ở Vĩnh Linh (Nhà xuất bản Văn học, 1970) trong đó có truyện ngắn Đường trường được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ vào thời điểm đó. Năm 1973, Xuân Trình in tiểu thuyết Thời tiết ngày mai ở Nhà xuất bản Phụ Nữ.

Nhưng dẫu sao, những hình ảnh ấy vẫn chỉ là mang tính hình thức, là chất thơ trong văn học. Cái bề sâu phải là khả năng hàm chứa, khái quát của tác phẩm. Chẳng hạn trong vở Ngày xưa nơi đây là chiến tranh, ở một cái xóm nhỏ ven đường mòn Trường Sơn, gồm một số ít con người tứ xứ sơ tán về, thỉnh thoảng có một số chiến sĩ lái xe ghé qua, dù chiến tranh rất ác liệt nhưng họ sống với nhau thật đầm ấm.

Xuân Trình mất năm 1991, ở tuổi 55, cái tuổi đang độ chín của một đời văn. Bữa cơm tôi và mấy vị lãnh đạo ngành tiếp Xuân Trình ở nhà hàng Cửa Đông - thành phố Nam Định hôm ấy không ngờ là lần cuối cùng chúng tôi tiếp ông.

Hôm ấy Xuân Trình đã biết mình mang bệnh trọng. Ông nói, ông chỉ tiếc không được sống thêm ít năm nữa để hoàn thành nốt những kịch bản đang ấp ủ, những kịch bản mà theo ông, nó có cái để mà bàn, để mà mừng cho nhau! Nhưng tiếc thay, ông không còn cơ hội để làm! Cho dù thế, với gần 20 vở kịch đã được dàn dựng, công diễn, Xuân Trình cũng đủ xứng đáng là một trong những kịch tác gia đầu bảng của nền kịch nói hiện đại Việt Nam.

Hà Nội, tháng 7 năm 2011. 

LÊ HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục